Sáng 11-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về ‘’Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng’’.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát, trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao đoàn giám sát đã triển khai công việc công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chuyên đề giám sát tối cao, với phạm vi rộng và tầm quan trọng lớn, không phải chỉ là tổng kết một nghị quyết của trung ương hay một nghị quyết của Quốc hội, mà cần nhận thức rõ giám sát tối cao là để đánh giá tổng thể việc thực hiện hệ thống pháp luật, nhìn nhận rõ thực tế, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có biện pháp khắc phục khả thi, rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đủ rõ, cần sửa đổi để làm rõ vấn đề, quy rõ trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh, quyết toán các nguồn trong và ngoài nước, làm rõ còn bao nhiêu chưa được thanh, quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả, có thất thoát, sai phạm gì không. Hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý trong công tác phòng chống dịch có 2 sai phạm rất lớn là vụ "chuyến bay giải cứu" và vụ kit xét nghiệm Việt Á. Cả 2 vụ nằm trong phạm vi của cuộc giám sát vì đều là huy động và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo không nhắc đến hai việc này. Dự thảo nghị quyết về giám sát cũng không nói gì. "Là đại biểu Quốc hội, tôi đọc thế này không biết là thế nào" - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị đưa 2 vụ việc này vào báo cáo của đoàn giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong báo cáo giám sát. Theo đó, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách, tuy nhiên những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định. Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm.
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, báo cáo giám sát đang thiếu vắng 2 vụ việc nổi cộm là "chuyến bay giải cứu" và vụ kit xét nghiệm Việt Á. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết đọc cả hơn 100 trang báo cáo giám sát đầy đủ với hơn 400 chú thích chỉ thấy 3 dòng nói về vụ án kit xét nghiệm Việt Á. Do đó, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm liều lượng đáp ứng yêu cầu đại biểu Quốc hội và sự quan tâm của cử tri.
Vụ chuyến bay giải cứu và kit xét nghiệm Việt Á mờ nhạt trong báo cáo giám sát - Báo Người Lao Động
Read More
No comments:
Post a Comment