Sau 5 ngày xét xử, phiên tòa sơ thẩm đại án Việt Á kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử (HĐXX) nghỉ nghị án. 14h30 chiều 12/1, HĐXX sẽ tuyên án đối với hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo khác.
Tại tòa, sau khi các luật sư đưa ra lập luận bào chữa cho thân chủ và các bị cáo tự bào chữa, Viện kiểm sát (VKS) cũng đã đối đáp lại.
Công - tội phân minh
Đại diện cơ quan công tố khẳng định, quá trình đánh giá vụ án, Viện kiểm sát rất thận trọng bởi phạm vi vụ án lớn, ở nhiều tỉnh, thành phố...
Tại tòa, một số luật sư cho rằng Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo là quá cao, quá nghiêm khắc, đại diện VKS cho biết trong vụ án trên, các bị cáo ở 5 nhóm tội danh.
Trong đó, tội nặng nhất là Nhận hối lộ (có khung hình phạt đến tử hình); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 20 năm)..., VKS đã áp dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo ở mức hình phạt thấp so với mặt bằng chung.
"Chúng tôi đánh giá công là công, tội là tội. Viện kiểm sát đánh giá vụ án trên gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng, tổng các thiệt hại là hơn 1.200 tỷ đồng.
Số tiền thiệt hại ngân sách Nhà nước là rất lớn, nếu để giúp những người nghèo hoặc giúp cho chính nhân dân trong thời kỳ đại dịch thì vô cùng có lợi", đại diện Viện kiểm sát nói.
Cáo trạng thể hiện, trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước hơn 8,3 triệu kit.
Việt Á đã được thanh toán hơn 4,5 triệu kit xét nghiệm với tổng số tiền 2.250 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á bỏ ra gần 365 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu, cộng với các loại chi phí khác, thuế và lợi nhuận 5%, giá thành sản xuất 1 kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng.
Tuy nhiên Công ty Việt Á đã "thổi giá" nâng khống lên gấp nhiều lần và được phía Bộ Y tế chấp thuận khi hiệp thương giá, để bán ra thị trường mức 470.000 đồng/1 kit xét nghiệm.
Cơ quan truy tố cáo buộc, từ việc nâng khống giá bán kit xét nghiệm, Công ty Việt Á thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng.
Tại phần tranh luận, một số luật sư cho rằng giá kit test thực tế cần phải qua trưng cầu, song đại diện VKS đối đáp, trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã dựa trên "6 nguồn" để có kết luận về mức giá hình thành một bộ kit test của Việt Á.
Trong đó, nguồn đầu tiên là cơ quan chức năng tiến hành thực nghiệm điều tra tại Công ty Việt Á (trụ sở tại Bình Dương).
Quá trình thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng trực tiếp dùng "các nguyên liệu đó, con người đấy, máy móc như thế, điều kiện cơ sở vật chất như vậy" để xác định việc sản xuất test có công suất như nào, năng lực ra sao.
Sau khi thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng phải trưng cầu giám định kit test. Bên cạnh đó phải dựa trên nguyên vật liệu mà các công ty bán cho Việt Á, thu toàn bộ hóa đơn chứng từ, sổ sách ghi chép của các nhân viên về công suất kit test của 2 năm (2020 và 2021)...
Đây chính là những cơ sở để xác định giá một bộ kit test Việt Á là hơn 143.000 đồng, đã bao gồm các loại phí, thuế...
Phan Quốc Việt chỉ cảm ơn bằng USD
Đối đáp lại ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ KH&CN) về việc ông Hùng không có động cơ vụ lợi, VKS cho rằng những nội dung tin nhắn giữa ông Hùng và ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt đã chứng minh điều ngược lại.
Trích dẫn một số bút lục, kiểm sát viên cho hay trong tin nhắn giữa ông Trịnh Thanh Hùng và Phan Quốc Việt, Việt gọi kit test là: "kit ông Hùng", ý muốn nhấn mạnh công lao rất lớn của ông Hùng trong việc đưa Việt Á tham gia nghiên cứu sản xuất test.
Một tin nhắn khác giữa 2 bị cáo trên được VKS trích dẫn có câu Việt nhắn cho Hùng với nội dung: "Đi làm chứng minh thư đi không mòn vân tay".
"Chúng tôi cũng yêu cầu giải thích tại sao mòn vân tay thì bị cáo giải thích đếm tiền nhiều mòn vân tay", đại diện VKS nói.
Đối đáp ý kiến của luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc về việc ông Tạc chỉ nhận từ Phan Quốc Việt 100 triệu đồng không phải 50.000 USD như lời khai của Việt, đại diện cơ quan công tố cho biết, quá trình điều tra nhiều bị cáo ngay từ đầu không thành khẩn.
Do đó, cơ quan chức năng phải đấu tranh nhiều ngày, áp dụng nhiều chứng cứ, tài liệu. Kiểm sát viên phân tích, trong vụ án trên Phan Quốc Việt đưa tiền cho các bị cáo đều là tiền USD.
Ngoài ra, khi thực nghiệm điều tra, Việt cũng thể hiện rõ đưa cho ông Tạc 50.000 USD. Do đó, VKS khẳng định cáo buộc ông Tạc nhận 50.000 USD từ Phan Quốc Việt là hoàn toàn khách quan, chính xác.
Tội danh khác nhau, hình phạt khác nhau
Đối với việc chống dịch ở Hải Dương mà cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng so sánh các bị cáo ở tỉnh này nhận mức đề nghị cao hơn các tỉnh khác, VKS cho rằng việc so sánh này là không có căn cứ vì các bị cáo có tội danh khác nhau, tính chất, mức độ vi phạm khác nhau.
Về quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng các bị cáo trong vụ án không phạm tội "có tổ chức", đại diện cơ quan công tố khẳng định căn cứ vào tài liệu điều tra thể hiện rất rõ điều này, đặc biệt là các bị cáo ở nhóm bộ, ngành, trung ương.
"Bị cáo Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng, cấu kết chặt chẽ với các bị cáo là cựu cán bộ ở Bộ Y tế, bị cáo từng công tác ở Văn phòng Chính phủ.
Các bị cáo đã liên lạc với nhau, hỗ trợ nhau, tác động lẫn nhau và tác động đến các cơ quan, bộ phận, cá nhân khác để giúp cho Công ty Việt Á có được giấy phép lưu hành cho kit test xét nghiệm với mục đích sản xuất và bán được", Kiểm sát viên nêu.
Tại tòa, một số luật sư cho rằng tại sao không nêu lên đóng góp của Việt Á trong phòng, chống dịch, đại diện VKS cho biết, Việt đã sử dụng tiền thu lợi nhuận bất chính để chi % hoa hồng cho các bị cáo tại phiên tòa và một số bị cáo khác.
Số tiền này là của Nhà nước, nhân dân, Công ty Việt Á mặc dù sản xuất kit test xét nghiệm liên quan đến phòng chống dịch nhưng lại lợi dụng chống dịch để thu lợi nhuận bất hợp pháp nên không có căn cứ để xem xét cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là có công trong phòng, chống dịch.
"Mặc dù chúng tôi có nhiều ghi nhận, xem xét tất cả các tình tiết cho các bị cáo nhưng phải có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi đã rất thận trọng, nhân văn khi xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh ở các địa phương và các nhân viên làm công ăn lương của Công ty Việt Á nên không đề nghị tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, điều này đã thể hiện tính nhân văn của Viện kiểm sát", Kiểm sát viên nêu.
Hàng loạt đơn xin giảm nhẹ
Tại phiên tòa, luật sư của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ông Long có 140 người, cơ quan gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Đơn của họ đã được gửi tới Hội đồng xét xử để xem xét.
Trong lá đơn của một vị giáo sư cho rằng, ông Long là "bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi và công tác quản lý tốt, dám nghĩ dám làm" đồng thời cũng là nhà khoa học có kiến thức chuyên môn sâu rộng, chịu khó học hỏi để cống hiến cho ngành y tế.
Do vậy, vị giáo sư mong tòa căn cứ những đóng góp của ông Long trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe để giảm nhẹ hình phạt.
Cũng viết đơn xin giảm nhẹ cho ông Long, một lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đánh giá cựu Bộ trưởng Bộ Y tế là nhà khoa học có kiến thức tinh thông và có nhiều chỉ đạo, hành động giúp hệ thống y tế dự phòng thành "hàng rào bảo vệ đầu tiên trước đại dịch Covid-19".
"Vụ án Việt Á xảy ra với nhiều cán bộ y tế liên quan, bị kỷ luật hoặc khởi tố trong phạm vi cả nước…, bác sĩ Nguyễn Thanh Long cũng là một bị cáo.
Việc làm của bị cáo đã vi phạm pháp luật và được đưa ra xử phạt là đúng nhưng mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo bởi những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân", nội dung đơn của một lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Một giáo sư khác đã nghỉ hưu năm 2015, viết đơn cho biết, trong 45 năm công tác đã được làm việc với cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và y tế dự phòng.
Giáo sư này nhận xét ông Long là "một người nhiệt thành, tâm huyết, giỏi chuyên môn… và ở bất kỳ vị trí nào cũng luôn luôn cầu thị, nghiên cứu, đưa các chiến lược hiệu quả để cống hiến cho ngành y, mang lại lợi ích cho người dân".
Ông Nguyễn Thanh Long cũng là người có đóng góp rất lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có hệ thống y tế dự phòng tốt trong khu vực Châu Á, được WHO và nhiều quốc gia công nhận.
Với lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được đánh giá ngoài chuyên môn tốt còn luôn tìm kiếm hỗ trợ rồi xây dựng chiến lược duy trì cơ chế tài chính bền vững, giúp đỡ nhiều nhất cho các nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.
Bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng, luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho biết ông Thăng xuất phát từ nghề giáo, từng là giáo viên trường THPT Cầu Xe (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) rồi chuyển sang công tác ở Đảng bộ tỉnh Hải Dương.
Khi xảy ra vụ án, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Thăng. 22 cán bộ, giáo viên trường THPT Cầu Xe và 80 cựu học sinh của trường cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này.
Công - tội phân minh và câu chuyện đếm tiền mòn vân tay trong đại án Việt Á - Báo Dân Trí
Read More
No comments:
Post a Comment