Luật Đất đai (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Trong khi đó tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại nghị quyết 18 của trung ương.
Điều này nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư khi lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến khá chi tiết từ đại biểu Quốc hội, chuyên gia xung quanh vấn đề này.
* TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN (trưởng khoa luật thuộc Trường kinh tế, luật và quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM):
Đánh thuế cao với người nhiều nhà, đất là hợp lý
Đánh thuế tài sản đối với người có nhiều nhà, đất là hợp lý. Việc tách bạch tài sản trên đất và quyền sử dụng đất khi tính thuế như dự thảo Luật Thuế tài sản trước đây Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến là hợp lý. Việc này sẽ đảm bảo tính chính xác khi tính thuế.
Tuy nhiên, thay vì cào bằng theo kiểu đánh thuế với người có bất động sản thứ hai trở lên, đối với đất nên tính thuế theo hạn mức đất.
Hiện các địa phương đều có quy định hạn mức sử dụng đất ở và các loại đất khác để tính các nghĩa vụ tài chính, có thể sử dụng các hạn mức này để tính thuế tài sản.
Với người sử dụng đất có tổng diện tích các loại đất trong các giấy chứng nhận (không phân biệt ở địa phương nào) vượt hạn mức sẽ bị tính thuế với phần diện tích vượt đó. Mức thuế suất phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo việc đánh thuế sẽ đạt được mục đích hạn chế đầu cơ đất đai.
Riêng về thuế tính trên công trình có thể quy định cứng các hạng công trình theo cấp 1, 2, 3... sau đó áp giá từng hạng nhà để tính thuế theo khung giá do Nhà nước quy định.
Về lộ trình, ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, việc đánh thuế cần thực hiện càng sớm càng tốt, không thể để chậm hơn.
Tuy nhiên, để có thể tính thuế được như vậy cần xây dựng dữ liệu nhà đất liên thông giữa các địa phương để biết một người dân đang có đất ở những nơi đâu và được cập nhật liên tục.
Việc này hoàn toàn làm được chứ không khó như một số ý kiến. Hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân và có thể đã cập nhật thông tin về đất đai trên cơ sở dữ liệu cá nhân như cập nhật giấy tờ xe, giấy phép lái xe...
Cũng cần nói rõ biện pháp áp thuế cũng chỉ mới là một biện pháp hạn chế việc đầu cơ đất đai. Người dân có tiền nhưng không biết làm gì thì không còn cách nào khác vẫn sẽ đổ vào đầu tư đất đai.
Do vậy, việc quan trọng hơn là phải có những chính sách để khuyến khích người dân đưa tiền vào các kênh đầu tư khác, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh.
* GS ĐẶNG HÙNG VÕ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Cần thực hiện sớm
Tại nghị quyết 26 năm 2003, nghị quyết 19 năm 2012 và nghị quyết 18 năm 2022 của trung ương về đất đai đều nhấn mạnh việc cần có các giải pháp về nhiệm vụ ban hành sắc thuế bất động sản Việt Nam với nội dung cụ thể, chủ yếu.
Cụ thể, tại nghị quyết 18 của trung ương nêu rõ nhiệm vụ là đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên...
Tuy nhiên đến nay sau 20 năm, vấn đề liên quan thuế bất động sản dù có được cải thiện so với thời kỳ bao cấp nhưng chưa tạo được các tác động thực sự vào thị trường bất động sản hay lành mạnh hóa thị trường.
Vì vậy, đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đã nêu là hoàn toàn đúng, cần thực hiện sớm.
Vấn đề còn lại là đánh thuế trong hoàn cảnh của Việt Nam như thế nào để tạo ra hiệu quả bởi ở Việt Nam hiện nay có một nhóm được gọi là siêu giàu từ bất động sản nhưng cũng có một nhóm không có tiền để mua một bất động sản làm nhà ở cho mình.
Do đó, về nguyên tắc việc đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách. Tức là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà đất.
Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần "đặc trị" hiện tượng sốt đất, giúp giá nhà đất bình ổn lại.
Hiện tại chưa áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà đất ngay được, nên thị trường chưa lập tức bị tác động.
Bởi hình thức thu thuế hiện nay vẫn dựa trên các cán bộ địa phương, còn chưa hoàn thiện, minh bạch dữ liệu về tài sản là bất động sản, dẫn đến khó xác định chính xác đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi là loại bỏ tư duy bảo vệ quyền riêng tư tài sản, thay bằng tư duy minh bạch tài sản, buộc phải giải trình nguồn gốc tài sản, đây là cách duy nhất dẹp bỏ tham nhũng.
Để thực hiện được quy định về đánh thuế tài sản, nhất là thuế bất động sản, cần kết hợp với việc hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Dân sự...
* TS ĐINH THẾ HIỂN (chuyên gia kinh tế):
Tạo nguồn ngân sách lớn
Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có những đại tỉ phú ôm nhà đất rất lớn nhưng có số thuế nộp rất thấp so với khối tài sản sinh lời.
Họ hưởng mọi hạ tầng đầu tư phát triển do toàn dân nộp thuế, ngày càng giàu lên nhưng không bị phân phối lại bao nhiêu mà nguyên nhân chính là do hiện nay họ không bị thuế tài sản.
Việc đầu cơ đất đai, nhà đất để không như hiện nay quá lãng phí, không sử dụng hết nguồn lực to lớn này.
Do vậy, việc ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó có bất động sản, là cần thiết và phải thực hiện.
Bên cạnh đó về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai và đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thuế này đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn.
Đây cũng là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.
TP.HCM từng đề nghị
Vào tháng 8-2023, cử tri TP.HCM đã có đề nghị đánh thuế đối với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ bất động sản thứ hai và đánh thuế cao đối với những bất động sản bỏ trống, không thu được giá trị từ đất để tránh lãng phí, đầu cơ tăng giá đất làm mất công bằng xã hội.
Trả lời nội dung này, Bộ Tài chính cho biết hiện nay hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản về cơ bản đã bao quát khá đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả ba giai đoạn là xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; sử dụng, khai thác bất động sản và chuyển nhượng bất động sản.
Theo bộ này, trong báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản.
Dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, bao gồm cả nghiên cứu về thuế đối với bất động sản thứ hai, thuế đối với nhà đất bỏ trống.
Việc này đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan tới bất động sản, đặt trong tổng thể chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế tới năm 2030.
Vì sao không quy định trong Luật Đất đai?
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ về việc đánh thuế người có nhiều nhà ở, đất đai, đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, nêu rõ để phát huy tốt hơn những quy định mà dự kiến tác động đến Luật Đất đai, không chỉ mình Luật Đất đai đảm nhiệm được mà đòi hỏi có sự thay đổi của rất nhiều chính sách, ví dụ chính sách về thuế.
Tuy nhiên, việc này lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, mà thuộc phạm vi điều chỉnh về lĩnh vực thuế.
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Tài chính cho hay hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất.
Sau đây, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định giao cho các bộ, cơ quan để thực hiện. Trong trường hợp được giao, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu.
* Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Khó nhưng là yêu cầu, đòi hỏi phải làm
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nhiều lần đề nghị Chính phủ có nghiên cứu để điều chỉnh chính sách thuế bất động sản cho phù hợp. Thực tế đất đai để hoang phí trong thời gian qua, qua giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng đã cho thấy điều này.
Trong khi đó đầu cơ, tích trữ đất đai rất lớn, không được đưa vào sử dụng.
Để giải quyết vấn đề này có nhiều công cụ nhưng công cụ giải quyết triệt để, hiệu quả nhất vẫn là chính sách thuế.
Việc nghiên cứu, đề xuất như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là yêu cầu, đòi hỏi trong quản lý nhà nước phải làm.
Liên quan việc đánh thuế cao với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, có những quan ngại cho rằng có thể xảy ra thuế chồng thuế. Nhưng điều quan ngại hơn thế là không có chính sách thuế để điều chỉnh, ngăn ngừa, ngăn chặn găm, đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên.
Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế này là cần thiết nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu như phải tránh việc thuế chồng thuế, đồng thời phải tác động tổng thể trong ngăn ngừa đầu cơ nhưng cũng kích thích sản xuất, không tạo thêm chi phí cho nền kinh tế, chi phí quá lớn cho các đối tượng đang sử dụng nhiều đất đai vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở đây, theo tôi, nên nghiên cứu theo hướng như cách tính giá điện, với một hạn mức nhất định, tối thiểu hợp lý cho người dân.
Bên cạnh đó, đất đai đã đưa vào sản xuất kinh doanh hiệu quả thì hạn chế thuế; còn những đất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ hoang hóa, đầu cơ để không thì phải đánh thuế cao.
Chính sách thuế phải làm cho những người sở hữu nhiều đất mà không sử dụng sẽ buộc phải sử dụng, không dám đầu cơ, gom đất để hoang hóa. Đây là bài toán rất khó đặt ra để Chính phủ thực hiện.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (đoàn Hà Nội):
Nên xác định quy mô sử dụng đất để đánh thuế
Luật Đất đai mới chỉ đưa ra yêu cầu về nguyên tắc, còn việc phải điều tiết các hành vi sử dụng nhiều đất đai hoặc sử dụng đất đai được hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng của Nhà nước làm gia tăng địa tô chênh lệch thì cần chính sách điều tiết thông qua công cụ thuế về sử dụng đất cũng như công cụ thuế điều tiết giá trị tăng lên của đất đai.
Như vậy, đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết.
Nội dung này phải được luật hóa liên quan thuế sử dụng đất, thu nhập trên đất, chuyển quyền sử dụng đất.
Tôi tin sau khi Luật Đất đai được nghiên cứu, Chính phủ sẽ phải rất khẩn trương để nghiên cứu, đề xuất sửa tiếp luật về thuế sử dụng đất hay luật thuế về tài sản mà Bộ Tài chính đã đưa ra lấy ý kiến nhiều lần.
Để thực hiện việc này, nên xác định quy mô sử dụng đất, trong đó quy định mức giới hạn tối thiểu mà mọi người được sử dụng. Với mức này không nên đánh thuế hoặc mức đánh thuế rất thấp.
Còn khi vượt quá mức tối thiểu phải đánh thuế theo quy mô sử dụng, thậm chí theo giá trị của đất. Ở các vùng giá trị đất đai cao hơn thì điều tiết phải lớn hơn. Khi làm được sẽ giúp hạn chế đầu cơ, chiếm dụng đất đai.
Cùng với đó, cần sử dụng chính sách thuế để điều tiết giá trị gia tăng khi đất đai được hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng của Nhà nước, thay đổi quy hoạch...
Nếu những người đầu cơ đất đai, mua đi bán lại thì phải đánh thuế cao vào phần chênh lệch mua bán. Thời gian mua bán càng ngắn thì tỉ suất thuế càng cao và ngược lại dài thì tỉ suất thấp. Trường hợp họ chưa mua bán, vẫn sử dụng thì đánh thuế liên quan giá trị đất đai tăng lên.
Áp thuế cao với người nhiều nhà, đất: Khó nhưng phải làm - Báo Tuổi Trẻ
Read More
No comments:
Post a Comment