Ngày 8.12, kỳ họp lần thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII có phiên chất vấn liên quan đến hàng loạt dự án chậm tiến độ trên địa bàn. Nguyên nhân theo Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi là do vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Có dự án kéo dài 14 năm
Tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, có hàng loạt dự án chuyển tiếp từ năm 2016 - 2020 chuyển sang và hàng loạt công trình triển khai mới từ năm 2021 đến 2023, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
"Trong các dự án này, có dự kéo dài hơn 10 năm vẫn không xong. Đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc chậm trễ này", ông Thắng nói.
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, giai đoạn từ 2016 - 2020 có 81 dự án chuyển tiếp sang, còn đầu tư mới dự kiến đến năm 2025 là 155 dự án (chưa kể dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia). Đến cuối năm 2023 này, đã hoàn thành 67/81 dự án chuyển tiếp và 51/128 dự án đầu tư mới từ 2021 - 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, hiện còn 14 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 đến nay chưa hoàn thành. "Đây là các dự án khi triển khai vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm nên chậm hoàn thành so với tiến độ phê duyệt ban đầu", ông Trọng nói.
Điều đáng nói, trong 14 dự án kể trên có dự án kéo dài 14 năm như: dự án đường Trường Chinh; dự án đường Chu Văn An nối dài; khu dân cư phục vụ tái định cư khu 2 đê bao sông Trà… Những dự án kéo dài gây bức xúc trong dân.
Ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi cho biết, áp dụng phương án bồi thường theo luật Đất đai năm 2003, khi tính giá bồi thường đất nông nghiệp "neo" vào giá đất ở trung bình của 8 phường trung tâm và 2 xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng, thì số tiền dân thực nhận cả bồi thường và hỗ trợ là 440.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp).
Sau đó, chính sách của luật Đất đai 2003 không còn nữa, mà áp dụng đền bù theo quy định mới thì tiền bồi thường và hỗ trợ đất nông nghiệp chỉ còn 240.000 đồng/m2 đất nông nghiệp.
"Dân nói là nghe chính quyền giải thích rồi về chính sách pháp luật, nhưng không hiểu vì sao đền bù từ 440.000 đồng rớt xuống còn 240.000 đồng", ông Danh nói.
Theo ông Danh, các dự án đang vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện TP.Quảng Ngãi đã tính toán các phương án nhưng chưa có kết luận thanh tra nên tạm dừng. Vì vậy, có dự án đã bố trí tiền nhưng TP.Quảng Ngãi phải trả lại, như dự án đường Chu Văn An nối dài, phải trả lại tỉnh Quảng Ngãi 66 tỉ đồng.
Riêng dự án khu dân cư phục vụ tái định cư khu 2 đê bao sông Trà, ông Danh cho biết, đã kéo dài nhiều năm và TP.Quảng Ngãi tìm hiểu nhiều lần nhưng hiện còn vướng mắc rất nhiều, trong đó có việc chưa xác định được thông tin về đất, nhà cửa, vật kiến trúc… Dự án triển khai trước đó thiếu các thủ tục trình UBND tỉnh Quảng Ngãi thủ tục thu hồi đất, giao đất, tái định cư, chưa giao đất tổng thể cho dự án… Cũng theo ông Danh, trong các dự án chậm triển khai nói trên, người dân đã gửi khiếu nại, tố cáo nhiều nơi, trong đó gửi cả cơ quan điều tra xem xét.
"Trong 7 dự án chậm triển khai ở TP.Quảng Ngãi, do các giai đoạn trước để lại đã bị rơi vào việc không trình UBND tỉnh làm thủ tục thu hồi đất, giao đất cho TP.Quảng Ngãi. Đến nay TP.Quảng Ngãi dù đã làm việc với ngành chức năng của tỉnh nhưng chưa tháo gỡ được vướng mắc", ông Danh nói.
"Nguyên tắc là bố trí tái định cư mới thu hồi đất"
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc các dự án kéo dài nhiều năm là do giai đoạn trước để lại, còn giai đoạn từ 2021 đến nay thì không xảy ra. Vì những ai, cơ quan nào làm được chủ đầu tư thì bố trí vốn, còn không làm được thì "đứng ra một bên cho người khác làm".
Ông Minh cho rằng, dự án kéo dài do lịch sử để lại là do chưa tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư xây dựng. Đây là vướng mắc lớn nhất, khó giải quyết nhất và làm chậm tiến độ nhất trong xây dựng.
Theo ông Minh, trong triển khai thi công dự án phải có quỹ thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng. "Xây dựng xong khu tái định cư, thì mới lên phê duyệt phương án bồi thường. Về nguyên tắc, có bố trí tái định cư mới thu hồi đất", ông Minh nói.
Buông lỏng quản lý ở các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân làm dự án chậm tiến độ. Ví dụ như quản lý không chặt chẽ, để đất bị lấn chiếm, nên đến khi xác nhận nguồn gốc đất, năm sử dụng không được. Nguyên nhân nữa theo ông Minh là năng lực của chủ đầu tư yếu kém.
"Báo cáo với tỉnh, với cử tri là tiền của tỉnh không thiếu. Các dự án kéo dài nhiều năm chậm trễ mà các đại biểu đề cập đều được bố trí vốn, nhưng đã trả vốn về cho tỉnh. Không phải là thiếu vốn mà là thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư từ trước đến nay", ông Minh nhấn mạnh. Ông Minh xin chịu trách nhiệm về những dự án chậm trễ, kéo dài nhiều năm nói trên.
Hàng loạt dự án chậm tiến độ ở Quảng Ngãi: Không thiếu vốn, chỉ thiếu trách nhiệm - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment