Chia sẻ tại hội nghị cấp cao về công nghệ bán dẫn tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng công nghiệp bán dẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
"Tháng 9 vừa rồi, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo đó xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng chia sẻ.
Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.
"Đây là cơ hội hiếm có để chúng ta cùng cụ thể hóa hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ, cho biết Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
"Việt Nam có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực vì lao động Việt rất chăm chỉ, cần cù. Tuy nhiên, chất lượng lao động hiện tại chưa đủ để phục vụ cho ngành công nghiệp đặc thù này", ông John Neuffer chia sẻ.
Theo chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu hướng đến mục tiêu quản trị rủi ro tốt hơn, nhất là sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Hiện nay, 75% số lượng chip bán dẫn được sản xuất ở Đông Á và Đông Nam Á. Chính vì vậy, theo ông Việt Nam cần nỗ lực để nắm bắt cơ hội này.
Theo nhận định của Giáo sư Laurent El Ghaoui, phó hiệu trưởng phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường Đại học VinUni, với phóng viên Dân trí, Việt Nam cần có những khóa học ngắn hạn nhằm nâng cao năng lực hiện tại của nguồn nhân lực.
Từ đó, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát triển hàng ngàn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn hằng năm, cũng như thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường toàn cầu.
"Thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, việc giáo dục không nên chỉ dừng lại ở kỹ thuật hay ngôn ngữ lập trình. Việt Nam có thể đào tạo thế hệ trẻ về bản chất và cách hoạt động của công nghệ để người trẻ thực sự hiểu về cách công nghệ có thể hỗ trợ con người", giáo sư nhấn mạnh.
Đón "đại bàng" công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần gấp rút chuẩn bị nhân lực - Báo Dân Trí
Read More
No comments:
Post a Comment