Sự tương đồng trong đánh giá GDP
Trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 23/10, tăng trưởng GDP được dự báo phấn đấu chỉ còn “trên 5%” trong năm nay.
Cuối tháng Bảy vừa qua, chỉ ba tháng trước, chỉ tiêu này vẫn được giữ kiên định 6,5%. Đến đầu tháng Chín, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó, theo kịch bản tham vọng nhất, để đạt tăng trưởng cả năm khoảng 6% thì tăng trưởng quý IV phải tăng 10,6%, tốc độ cao hiếm có trong mấy chục năm nay.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% nằm ngoài tầm với là không bất ngờ. Nếu GDP được điều chỉnh giảm từ trước hay sớm hơn, một chuyên gia kinh tế phân tích, sẽ tạo tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giảm nỗ lực thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo tâm lý và dư luận xã hội không tốt.
Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét: “… Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực”.
“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”.
Như vậy, báo cáo của Ủy ban Kinh tế khá đồng thuận với Chính phủ.
Lâu nay, GDP là chỉ tiêu mang tính pháp lệnh vì nó là thước đo năng lực và là công cụ để tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và hơn hết là thu hẹp khoảng cách phát triển, tụt hậu với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo tháng 10/2023 của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 4,7%, thấp hơn so với tăng trưởng bình quân của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được dự báo 5,0% trong năm 2023.
Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam (4,7%) thấp hơn của Indonesia (5%), Philippines (5,6%), Campuchia (5,5%). Trong nhiều năm nay, tốc độ tăng trưởng của chúng ta thường cao dẫn đầu khu vực, nhưng nay đã chậm lại.
Thước đo của nền kinh tế thực
Việc điều chỉnh chỉ tiêu GDP cho thấy, nền kinh tế còn yếu và sự hồi phục phía trước còn khá mong manh, khi cả tổng cầu trong nước và quốc tế vẫn yếu.
Nhiệt kế doanh nghiệp là rõ nhất. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp, rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, vượt hơn so với tổng số doanh nghiệp giải thể, phá sản cả năm 2022 là 143,2 nghìn.
Nhiều người nói, doanh nghiệp phá sản, giải thể là biểu hiện của sự “tàn phá sáng tạo” của thị trường vì họ sẽ khôi phục lại hay chuyển sang ngành nghề mới khi thuận lợi hơn.
Tình trạng này là hệ quả của cả nguyên nhân khách quan, khi đơn hàng và sức mua suy giảm, lẫn chủ quan với nhiều chính sách mà doanh nghiệp chưa tiên liệu được.
Xin lấy ví dụ mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra: trong thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần tăng các mức lãi suất điều hành (23-9-2022 và 25-10-2022) với tổng mức tăng là 2%. Điều này dẫn tới lãi suất huy động và lãi suất cho vay toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động trên 11%, còn lãi suất cho vay trên 13%.
Lãi suất tăng quá cao trong thời gian quá ngắn như vậy làm doanh nghiệp không thể xoay sở được trong khi lạm phát thậm chí còn thấp hơn cả chỉ tiêu của Quốc hội. Doanh nghiệp, sau hơn hai năm phong tỏa, cũng như người bệnh cần hồi sức, cấp cứu. Nếu các biện pháp đưa ra muộn thì rất khó phục hồi.
Sang năm nay, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
“Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định rất xác đáng. Tăng trưởng tín dụng đến 11/10/2023 đạt 6,29% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ tăng 11,12%). Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 20/9/2023 chỉ tăng 4,75%, mức tăng thấp, tương đương một nửa so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp như là hệ quả của sức khỏe của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có vẻ vẫn khá tốt, như bình thường.
Vấn đề là cách tính thất nghiệp của Việt Nam là người thất nghiệp đươc xác định là những người từ đủ 15 tuổi trở lên và hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố: hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm, sẵn sàng làm việc chưa phản ánh chính xác bức tranh việc làm ở nước ta.
Xin nêu một con số: Trong giai đoạn 2016- 2021, cả nước có trên 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa cập nhật hai năm qua. Còn báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ có số liệu về số lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc trong giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 01/2023.
Còn nhiều vấn đề đáng quan tâm
Ủy ban Kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ "vô cùng khó khăn", nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...
Đó là những vấn đề mà các vị đại biểu sẽ thảo luận để cùng hiến kế, tìm giải pháp và giám sát việc thực thi bởi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ tháng 5/2023: “Có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”.
Tư Giang
Nền kinh tế nhìn từ tăng trưởng GDP và các chỉ số kinh tế - VietNamNet
Read More
No comments:
Post a Comment