Thông tin CyRadar có tên trong 15 hãng trên toàn cầu được Microsoft khuyến nghị sử dụng khiến nhiều người bất ngờ.
Canh cánh trong lòng câu hỏi “Vì sao một công ty bảo mật tuổi đời còn khá trẻ như CyRadar lại làm được chuyện bất ngờ như vậy”, chúng tôi hẹn gặp CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức để tìm câu trả lời.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở trên Tầng 9, tòa nhà FPT Tower ở Hà Nội, lãnh đạo CyRadar đã “dốc bầu tâm sự”, chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.
Đang làm “sếp” tại một doanh nghiệp an ninh mạng có tên tuổi, năm 2013, Nguyễn Minh Đức chuyển sang FPT, phụ trách một nhóm nghiên cứu chuyên tìm hiểu các công nghệ về bảo mật.
“Nhiều năm làm bảo mật, chúng tôi chứng kiến không ít vụ tấn công mạng vào doanh nghiệp lớn được ứng cứu rất muộn. Nếu phát hiện sớm hơn thì có thể giảm thiểu rủi ro. Và rồi nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã quyết định phát triển giải pháp phát hiện nhanh nhất có thể các vụ tấn công mạng. Lúc đầu chỉ định phát triển giải pháp thôi. Tới năm 2017, anh em mới quyết định thành lập Công ty CyRadar khi mọi thứ đã chín muồi. Tên gọi CyRadar là ghép của hai từ: Cy – Cyber, có nghĩa là không gian mạng; Radar có ý nghĩa dò quét trên không gian mạng để phát hiện ra các vụ tấn công”, CEO Nguyễn Minh Đức mở đầu câu chuyện.
Điều kiện khá thuận lợi của CyRadar là có khoảng gần 2 năm ở “trong lòng” của FPT, chỉ tập trung nghiên cứu và phát triển, chưa bị sức ép về kinh doanh, khách hàng.
Nhờ đó, hãng bảo mật với tuổi đời còn trẻ này sớm tích lũy được khá nhiều chứng chỉ quốc tế uy tín. Tới nay, chỉ nói riêng về phần mềm chống mã độc đã có 10 chứng chỉ, chứng nhận, trong đó khó nhất là chứng chỉ VB100 về phát hiện mã độc. Các chứng chỉ quốc tế đã giúp CyRadar dễ dàng hơn khi làm việc với các đối tác nước ngoài vì tạo được sự tin tưởng nhất định.
“Việc đạt các chứng chỉ quốc tế uy tín còn giúp chúng tôi được chia sẻ nguồn tài nguyên với những hãng lớn trên thế giới. Khi xuất hiện cuộc tấn công tại một quốc gia nào đó, có thể mình chưa hoạt động tại thị trường đấy, nhưng vì các hãng kia đã “bắt” được rồi chia sẻ thông tin, dữ liệu, nên mình cũng ghi nhận được luôn. Hiện CyRadar là hãng bảo mật có nguồn dữ liệu rất phong phú, thậm chí có thể nói là thuộc nhóm phong phú nhất trong các hãng bảo mật tại Việt Nam”, CEO CyRadar không giấu vẻ tự hào.
Có hai trường hợp điển hình về đối tác khách hàng quyết định làm việc với CyRadar vì lý do “là một trong những hãng có nguồn dữ liệu lớn nhất”.
Một công ty phát triển hệ thống email security (bảo mật thư điện tử) của Châu Á, sau khi phân tích một số tên miền trong các vụ tấn công vào khách hàng của họ, thì rất ngạc nhiên khi thấy CyRadar thường là một trong những hãng phát hiện được sớm nhất. Vì thế, họ đã liên hệ email với CEO CyRadar đề nghị hợp tác chia sẻ nguồn tài nguyên.
Một công ty ở châu Âu, cung cấp dịch vụ giám sát hệ thống mạng cho khách hàng ở châu Âu, cũng đang hợp tác với CyRadar vì thấy đây là một trong những hãng phát hiện sớm nhất các vụ tấn công mạng và có nguồn dữ liệu phong phú nhất.
Ngoài ra, một số đối tác khác, ở cả châu Âu và Mỹ, cũng liên hệ hợp tác chia sẻ hoặc mua lại tài nguyên khi thấy nguồn tài nguyên của CyRadar tương đối tốt.
Đặc biệt, CyRadar đã được Microsoft ghi danh trong số 15 hãng trên toàn cầu được khuyến nghị sử dụng.
“Đây là việc khó nhất chúng tôi đã làm được. 14 hãng còn lại toàn những “ông” rất to, thậm chí có tới 30 năm kinh nghiệm, nghe tới tên là biết ngay. Vì thế, có tên trong danh sách 15 hãng là một niềm tự hào rất lớn. Đây sẽ là tiền để thuận lợi để CyRadar có thể mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế”, CEO Nguyễn Minh Đức bày tỏ.
CyRadar đã phải mất gần 2 năm cho việc này, với bước đi đầu tiên là trở thành thành viên của Microsoft Virus Initiative, gồm các hãng chuyên về phần mềm diệt virus. Sau đó phải đạt rất nhiều tiêu chí, yêu cầu khác nữa.
Được biết, lúc đầu danh sách khuyên dùng của Microsoft có tên 40 hãng, giờ chỉ còn 15, và danh sách vẫn tiếp tục thanh lọc hàng năm.
Hiện chưa có hãng nào ở Việt Nam có tên trong danh sách Microsoft khuyên dùng như vậy, mặc dù đã có nhiều hãng khác chuyên phát triển phần mềm diệt virus trước khi CyRadar ra đời.
Với nguồn vốn được FPT hỗ trợ trong khoảng 2 năm đầu, đội ngũ CyRadar yên tâm phát triển các giải pháp, dịch vụ, không phải lo chuyện “vừa làm vừa ăn đong”.
Có lợi thế nhất định trong giai đoạn đầu so với các công ty khởi nghiệp khác, song điều đó không có nghĩa mọi chuyện đều diễn tiến suôn sẻ. Vị giám đốc trẻ cũng có rất nhiều lúc đau đầu bởi những vấn đề liên quan tới chuyện “cơm áo gạo tiền” của hàng chục anh em trong công ty.
Khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường an toàn thông tin. “Dù nhận thức về an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã được nâng cao hơn trước, song ngân sách hàng năm cho hạng mục an toàn thông tin vẫn khá khiêm tốn, chủ yếu được sử dụng để đầu tư trang thiết bị của các hãng nước ngoài. Các phần mềm, giải pháp của Việt Nam cạnh tranh với các hãng nước ngoài tại chính thị trường Việt Nam cũng khá là khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có lợi thế hơn “đối thủ ngoại” trong khu vực chính phủ, với những yêu cầu khắt khe đối với nhà cung cấp, và các doanh nghiệp Việt có sự chủ động, linh hoạt hơn trong việc phát triển giải pháp theo các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như của các cơ quan nhà nước”, CEO Nguyễn Minh Đức trải lòng.
Một khó khăn lớn khác theo CEO CyRadar là nhân sự an toàn thông tin, bảo mật. “Lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn sâu. Các ngân hàng, tập đoàn, tổ chức lớn có thể trả lương rất cao cho một vài nhân sự tốt. Sinh viên mới ra trường mà làm được việc thì họ cũng sẵn sàng trả tới 60 – 70 triệu đồng/người/tháng, thậm chí 80 triệu đồng. Vì thế, khởi nghiệp rất khó tuyển người và giữ người. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhất là khởi nghiệp. Doanh nghiệp quy mô nhỏ khoảng 10 người, thì chỉ vài người nghỉ cũng sẽ lao đao, vì ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, giải pháp”, lãnh đạo CyRadar phân tích.
Tìm kiếm khách hàng cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp khởi nghiệp trong những ngày đầu. Có khách hàng đồng nghĩa có tiền. Không ít khởi nghiệp đã sớm chết yểu chỉ vì không có tiền để “chạy” tiếp.
“Khởi nghiệp thì thường xuyên đau đầu”, CEO Nguyễn Minh Đức thừa nhận, nhưng cũng nhấn mạnh rằng “không vì thế mà nản chí”.
CyRadar vẫn đang tiếp tục hành trình phát triển không chỉ ở thị trường trong nước mà còn mạnh dạn tìm kiếm thêm những cơ hội mới ở thị trường nước ngoài.
(Bài 2: Tìm ngách hẹp cho riêng mình trên thị trường nhiều “cá mập”)
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nguyễn Cúc
Có một thương hiệu Việt được Microsoft khuyên dùng toàn cầu - VietNamNet
Read More
No comments:
Post a Comment