Sáng 28/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP có buổi tiếp xúc cử tri quận 4.
Không được lợi dụng cơ chế mới để sai phạm
Trong sáng nay, các đại biểu đã nhận được 12 ý kiến góp ý của người dân về tình hình phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, nhiều cử tri thể hiện sự quan tâm tới việc thực thi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua.
Theo cử tri Nguyễn Xuân Hiển (Hội Luật gia quận 4), trong thời gian thực hiện Nghị quyết 54 trước đây, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với bản Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua, vị cử tri này đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND TP có chuẩn bị từ sớm. Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc, điểm nghẽn cần liên tục được nhận diện và giải quyết kịp thời.
"Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng cơ chế mới, chính sách đặc thù để tạo ra sai phạm", đại diện Hội Luật gia quận 4 nêu suy nghĩ.
Cử tri Nguyễn Thành An (phường 2, quận 4) cho rằng, thành phố cần tiếp tục thực hiện các chính sách chi thu nhập tăng thêm. Với chính sách này, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn sẽ có thêm động lực mạnh mẽ, quyết tâm triển khai Nghị quyết 98.
Tại hội nghị, các cử tri cũng bày tỏ tới Chủ tịch UBND TP.HCM về khó khăn của doanh nghiệp như thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm, khó tiếp cận nguồn vốn.
Thành phố đối đầu tình thế "nội công ngoại kích"
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong những tháng đầu năm, thành phố phải đối đầu với tình thế "nội công ngoại kích".
Theo ông Mãi, tình hình kinh tế của cả nước có nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, nhưng TP.HCM có phần khó khăn hơn.
"Nền kinh tế của TP.HCM có độ mở gần như hoàn toàn nên dễ bị ảnh hưởng trước các biến động của thế giới. Trong khi các địa phương mới bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới thì TP.HCM đã chịu ảnh hưởng từ trước đó", ông Mãi phân tích.
Ông Mãi thông tin, các đơn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn giảm trung bình từ 30 - 50%, cá biệt một số doanh nghiệp, lĩnh vực giảm đến 70%. Khi đơn hàng giảm, việc làm, thu nhập của người lao động bị giảm sâu, tác động đến đời sống, an sinh, an ninh, trật tự của địa phương.
Ngoài các biến động bên ngoài, thành phố còn có những khó khăn riêng. "Cụ thể như vụ việc của SCB, Vạn Thịnh Phát tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của thành phố, hay một bộ phận cán bộ, cơ quan còn e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng làm chậm nhịp độ công việc. Ngoài ra, thành phố còn có những vấn đề tồn đọng trước đây để lại, những tác động của đại dịch Covid-19", Chủ tịch TP.HCM dẫn chứng.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhận định, tình hình kinh tế của thành phố đã có chuyển biến tích cực trong quý 2 và sẽ tốt hơn trong quý 3. Do đó, các cử tri và người dân không nên hoang mang trong bối cảnh hiện tại để cùng thành phố vượt khó, thúc đẩy phát triển.
Về Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua, lãnh đạo TP.HCM khẳng định, thành phố đã và đang gấp rút trong công tác thi hành, ngay từ khâu chuẩn bị. Thành phố cũng ban hành kế hoạch hành động, xác định và phân công từng sở, ngành xây dựng tờ trình gửi tới HĐND TP trong 3 kỳ họp tới nhằm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 98.
Vụ SCB, Vạn Thịnh Phát tác động lớn đến kinh tế xã hội TP.HCM - VietNamNet
Read More
No comments:
Post a Comment