Từ 3 giờ chiều 22.5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Cụ thể, xăng E5RON92 có giá 20.488 đồng/lít, sau khi tăng 357 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành và thấp hơn xăng RON95-III 1.011 đồng/lít; xăng RON95-III có giá 21.499 đồng/lít, sau khi tăng 499 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Thông tin này khiến nhiều người trẻ mếu máo. Bởi trước đó, vào ngày 4.5, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh từ 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT) tăng lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%).
Lo giá cả "leo thang"
Chị Nguyễn Hoài Ánh Nguyệt (29 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Gia công Kim loại Sài Gòn, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết không khỏi lo lắng khi nghe tin xăng tăng vào chiều qua 22.5. Bởi chỉ vừa mới đây thôi, chuyện giá điện tăng đã từng khiến chị và chồng rầu rĩ và cùng nhau bàn cách để tiết kiệm tiền.
"Nếu nhìn vào giá điện tăng hơn 55,9 đồng/kWh, giá xăng tăng gần 500 đồng/lít đều là những con số không lớn. Tuy nhiên khi sử dụng điện nhiều trong mùa nắng nóng như hiện nay, cũng như phải đổ xăng nhiều để đi lại, thì chi phí cho điện và xăng mỗi tháng là con số không nhỏ. Nhất là đối với công nhân", chị Nguyệt nói.
Với chị Nguyệt, chuyện điện và xăng giá đều tăng giá là "chuyện đã rồi". Điều mà chị Nguyệt lo nhất hiện nay đó là có thể vào thời gian tới, rất có thể vật giá sẽ cùng đồng loạt tăng. Khi đó, không tránh khỏi việc cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng.
"Không thể biết ngày mai giá gạo, giá dầu ăn nước mắm có tăng hay không? Nếu có thì chi phí sinh hoạt sẽ đội hơn nhiều so với tháng trước", chị Nguyệt lo lắng.
Anh Trần Vũ Mạnh (35 tuổi), làm việc ở Công ty CP bao bì nhựa Hoàng Gia, H.Bình Chánh, TP.HCM, cũng không khỏi ái ngại khi nghe những thông tin điện tăng, xăng tăng.
"Tôi lo rằng giá cả thị trường có thể "leo thang" vào giai đoạn sắp tới. Nếu vậy thì đời sống của những người có thu nhập thấp, chỉ có mức lương vài triệu đồng mỗi tháng sẽ càng thêm những khó khăn", anh Mạnh nói.
Theo anh Mạnh, lo ngại ấy không phải không có cơ sở. Chẳng hạn vào chiều 22.5, khi đi chợ, anh mua 1 kg nghêu tốn 65.000 đồng thay vì khoảng 59.000 đồng - 60.000 đồng như tuần trước. Hay một con cá chép sống, cách đây 2 ngày anh mua có giá 75.000 đồng/kg thì chiều qua đã tăng lên 85.000 đồng/kg, hoặc nửa ký cá nục gai khoảng 7 con có giá 37.000 đồng cách đây 3 ngày, cũng tăng thành 41.000 đồng. Rồi giá 1 kg đọt bí từng có giá khoảng 30.000 đồng - 32.000 đồng, cũng đã nhích lên thành 34.000 đồng/kg, 1 kg giá sống khoảng 12.000 đồng giờ tăng thành 13.000 đồng/kg...
Anh Nguyễn Minh Hiếu (34 tuổi), ở 22 đường số 5, Q.Bình Tân, TP.HCM cũng kể: "Vài hôm trước, một gói thuốc tôi thường hút chỉ có giá 33.000 đồng. Nhưng nay đã có giá 34.000 đồng. Dù tăng nhẹ chỉ 1.000 đồng nhưng mặt hàng nào cũng tăng như vậy thì phải tốn những khoản chi phí nhiều hơn trong sinh hoạt hàng ngày".
Nguyễn Thị Mai Nguyên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết thường ăn cơm ở quán chứ không tự nấu. Khi nghe những tin giá điện, giá xăng tăng, Nguyên dự đoán sắp tới có thể chi trả cho tiền ăn nhiều hơn. "Mình cũng đang rủ bạn mua vật dụng về nhà tự nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu", Nguyên nói.
Người trẻ mong gì?
Nguyên nói mỗi tháng bố mẹ ở Ninh Thuận chu cấp 4,5 triệu đồng để trọ học ở thành phố. Ngoài tiền thuê trọ, chi trả điện, nước... gần 2 triệu đồng, số tiền còn lại là để lo cho chi phí ăn uống, mua dụng cụ cá nhân. "Hai tháng nay, tiền điện tăng nhiều, mỗi tháng tăng gần 200.000 đồng nên mình đã tiện tặn nhiều khoản chi tiêu để bù vào. Giờ xăng tăng, mình cũng phải xài tiền tiết kiệm hơn. Lo rằng khi vật giá đồng loạt tăng thì chắc khoản tiền bố mẹ cho sẽ không đủ sử dụng. Chỉ mong sao giá cả đừng tăng", Nguyên chia sẻ.
Chị Đào Thị Xuân (27 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH BMO INT, H.Củ Chi, TP.HCM, kể mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 6.8 triệu đồng. Chồng chị chạy xe ôm công nghệ, trừ đi chi phí, có thêm khoảng 5,4 triệu đồng. Tuy nhiên tiền thuê nhà, tiền nuôi hai con nhỏ... khá nhiều. Chính vì thế, chị Xuân cảm thấy không vui và giật mình khi nghe đến chữ "tăng". "Lỡ mà giá thuê trọ tăng, giá cả ngoài chợ cũng tăng thì sẽ vất vả nhiều hơn. Tôi ước sao giá cả thị trường cũng... dậm chân tại chỗ", chị Xuân nói.
Không ít người trẻ cũng cho rằng khi mà "lương y như tháng trước", trong khi giá cả nhích dần đều sẽ khiến họ có thể gặp những... cơn đau đầu.
"Giá mà khi điện tăng giá, xăng tăng giá... thì lương cũng tăng. Nhưng chỉ là ước cho vui chứ không phải ước gì là được đó. Bên cạnh sẽ cố gắng sống tiết kiệm thì tôi mong giá cả thị trường bình ổn, để những người công nhân, người thu nhấp thấp đỡ bớt những nỗi lo", anh Huỳnh Thanh Mạnh (32 tuổi), nhà ở 43/10 đường số 10, TP.Thủ Đức, chia sẻ.
Điện tăng giá, xăng tăng giá, nhưng đây mới là nỗi lo lớn nhất của người trẻ... - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment