Thị trường đã không hưng phấn như kỳ vọng của nhà đầu tư sau loạt tin tốt về mặt bằng lãi suất giảm. Dòng tiền nhất định không chịu mua giá cao sáng nay, khiến lực đẩy suy yếu rất nhanh. Hàng loạt cổ phiếu blue-chips lớn làm trụ thị trường hôm qua đẫ quay đầu điều chỉnh, kéo theo đà trượt dốc của chỉ số.
VN-Index kết phiên sáng đã giảm 3,68 điểm tương đương -0,35%. Lúc 9h48 chỉ số này đạt đỉnh của phiên cũng chỉ tăng nhẹ 0,31%. Độ rộng của HoSE lúc chỉ số lên cao nhất khá tốt, với 205 mã tăng/84 mã giảm.
Tuy nhiên chỉ đến hơn 10h VN-Index đã trượt xuống dưới tham chiếu và từ 10h25 trở đi rơi hẳn xuống vùng đỏ. Nhóm blue-chips suy yếu trước, VN30-Index đỏ sớm hơn VN-Index khoảng 5 phút. VCB khoảng 10h5 đã nhào xuống dưới tham chiếu. VHM khoảng 10h20 đã đỏ... Loạt trụ lớn này tạo sức ép mạnh và khoảng từ 10h30 trở đi, độ rộng đã nghiêng về phía giảm. Chốt phiên, HoSE chỉ còn 141 mã tăng/206 mã tăng.
VN30-Index chốt phiên sáng gảim 0,42% với 6 mã tăng/22 mã giảm. 4 cổ phiếu giảm sâu nhất rổ là VJC giảm 1,67%, CTG giảm 1,59%, VHM giảm 1,21%, VCB giảm 1,08%. Loạt cổ phiếu lớn khác như VIC, GAS, TCB, VPB, SAB, VNM, HPG, MSN cũng đỏ.
Một trong những nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu dẫn dắt suy yếu nhanh như vậy là dòng tiền quá ít. Thanh khoản của VN30 đến hết phiên sáng mới đạt 903 tỷ đồng, giảm 22% so với sáng hôm qua. Đây là phiên thứ 2 trong tuần này thanh khoản nhóm blue-chips tụt xuống dưới 1.000 tỷ. Blue-chips duy nhất đạt thanh khoản trên trăm tỷ là STB với gần 107 tỷ đồng. Toàn thị trường có 9 cổ phiếu giao dịch từ 50 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 2 mã tăng, còn lại là giảm.
Trên toàn sàn HoSE ghi nhận 87 mã đang giảm trên 1% trong tổng số 206 mã đỏ. Tuy vậy điểm tốt là các mã giảm mạnh cũng không có thanh khoản cao. Nhóm giảm trên 2% không có mã nào thanh khoản quá 5 tỷ đồng. Trong nhóm giảm với biên độ 1%-2%, chỉ có 9 mã giao dịch trên 10 tỷ đồng. Thanh khoản thấp hàm ý bên mua rút lui trong khi lực bán không quá mạnh.
Đây là điều thường thấy trong các nhịp tăng kỹ thuật, nhà đầu tư sẵn sàng mua khi giá giảm mạnh nhưng sẽ ngần ngại khi giá lên cao. Dòng tiền nâng đỡ vùng giá cao không đủ dày để duy trì mặt bằng giá.
Sự phân hóa do dòng tiền yếu tùy thuộc vào áp lực bán. Không có nhóm cổ phiếu nào nổi trội mà vẫn có mã tăng mã giảm. Tuy vậy các cổ phiếu điện dường như khá nhất: POW tăng 2,83%, NT2 tăng 4,27%, GEG tăng 2,08%, PPC tăng 3,36%, SHP tăng 1,12%... Ngoài ra, một số mã khá xuất sắc có thể kể tới như SBT tăng 3,04% giao dịch 29 tỷ; EIB tăng 2,78% giao dịch 23,2 tỷ; SCR tăng 2,28% giao dịch 16,8 tỷ; NVL tăng 1,95% thanh khoản 49,7 tỷ; DCM tăng 1,69% thanh khoản 20,9 tỷ; PVT tăng 1,69% thanh khoản 47,1 tỷ...
Tổng giao dịch HoSE giảm 21% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 2.328 tỷ đồng. Tổng hai sàn giảm 22%, đạt 2.611 tỷ đồng. Khối ngoại cũng giảm cường độ đáng kể khi chỉ giải ngân 388,9 tỷ đồng trong khi bán ra 434,1 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 45,2 tỷ. Quy mô giải ngân này cũng là tăng 36% so với sáng hôm qua nhưng giao dịch chung lại sụt giảm mạnh. Điều đó nghĩa là dòng vốn của nhà đầu tư trong nước đã suy giảm đáng kể.
Sau phiên tăng mạnh hôm qua, thị trường chững lại để kiểm tra cung cầu là điều bình thường. Về phía cầu, rõ ràng nhà đầu tư đã chững lại, mua ít hơn, né giá cao. Ngược lại phía bán, lực bán hạ giá chiếm ưu thế nhưng không đẩy biên độ giảm lên cao và thanh khoản cũng thấp. Như vậy mới có một bộ phận nhỏ nhà đầu tư bán ra ở vùng giá thấp.
Dòng tiền giảm mạnh, blue-chips quay đầu, VN-Index trượt dốc - VnEconomy
Read More
No comments:
Post a Comment