Nhịp đập Thị trường 03/01: Niềm vui trọn vẹn đầu năm
Một ngày lên mạnh cực kỳ bất ngờ. Một niềm vui trọn vẹn đến với nhà đầu tư trong dịp năm mới. VN-Index đạt mức tăng vượt trội so với toàn thị trường châu Á hôm nay và châu Âu hôm qua.
Hôm nay mức tăng của VN-Index đứng trên đỉnh của các thị trường trọng điểm trên phạm vi toàn cầu. Hy vọng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, một năm được dự báo tràn đầy khó khăn. Hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ có một năm tăng trưởng vượt trội và đem lại niềm vui cho các nhà đầu tư chứng khoán nội và ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 36.81 điểm (3.66%). Và chỉ có 9,249 tỷ rót vào VN-Index để thực hiện điều này. Cầu giá thấp có vẻ cạn kiệt. Điều này khiến mối lo ngại thị trường sụp đổ vì cạn tiền sẽ vơi đi. VN30 tăng 42.06 điểm (4.18%), HNX-Index tăng 7.25 điểm (3.53%), UPCoM tăng 0.75 điểm (1.05%).
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 231 tỷ trên HOSE và là phiên mua ròng thứ 30 liên tục. Con số này hy vọng sẽ kéo dài, càng dài càng tốt, với hy vọng một năm 2023 hút tiền mạnh nhất trong lịch sử dựa trên tiền đề một nền kinh tế vượt trội kinh tế thế giới trong 3 năm đại dịch và có thể tiếp tục trong năm nay - 2023.
14h: Bứt phá mạnh mẽ
Thị trường bất ngờ bật tăng rất mạnh. VN-Index đăng tăng 28 điểm (2.82%), HNX-Index tăng 6.38 điểm (3.1%). Trong nhóm cổ phiếu VN30 đã có SSI, VRE, HPG, PDR khớp trần. Chỉ số VN-Index đang tăng mạnh nhất châu Á. Chứng khoán và vật liệu xây dựng là hai nhóm ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 6.4% và 5.93%.
Hai trụ còn lại của thị trường cùng với chứng khoán là ngân hàng và bất động sản chỉ tăng nhẹ 1.67% và 1.2% là… đà cản của thị trường, sức ì của hai ngành này khá nặng muốn tăng mạnh cần có một lượng tiền nhiều hơn. 14h08 mới có 7,360 tỷ rót vào VN-Index.
Tiền sẽ rót vào tiếp đỡ hai ngành chính để thị trường có một mức tăng mạnh hơn, đánh dấu một ngày đầu năm dương lịch tuyệt vời. Hay một lượng hàng lớn hơn bán ra cuối ngày để kéo thị trường đi xuống thì còn phải chờ xem. Một ngày giao dịch hết sức bất ngờ của VN-Index với chứng khoán và vật liệu xây dựng là tâm điểm.
Phiên sáng: Thanh khoản vẫn thấp, cần theo dõi kỹ phiên chiều
Chỉ với 4,550 tỷ rót vào HOSE, VN-Index đã tăng 16.41 điểm. Thực tế quá trình cạn “cung tự nhiên” đã xuất hiện từ thứ 5 tuần trước. Tuy nhiên lượng cầu không quá mạnh mẽ có thể sẽ khiến giá bị ảnh hưởng cuối ngày. Một số dấu hiệu khiến các nhà đầu tư cần theo dõi kỹ giao dịch cuối phiên hôm nay.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng trên sàn HOSE với giá trị 130 tỷ. Nếu điều này diễn ra đây sẽ là phiên mua ròng thứ 30 của khối này. 29 phiên mua ròng gần đây của khối ngoại đã góp công rất lớn giúp VN-Index có được điểm số hôm nay. Và tất nhiên nhà đầu tư nào trên thị trường cũng mong điều này chưa dừng lại.
Ngành nông lâm ngư đã có ASM trần, HAG đang tăng 2.62%, BAF tăng 3.54%. Giá heo hơi đang có xu hướng giảm hôm nay đã dưới 55,000/kg trên toàn quốc. Giá heo hơi giảm trong dịp tết âm lịch là điều khá lạ. Điều này được lý giải do thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp phải giảm bớt công nhân và họ về quê ăn Tết sớm. Việc Trung Quốc mở cửa liệu có giúp thị trường heo bình phục hay không vẫn là một ẩn số.
10h30: Tăng trên diện rộng
VN-Index đã xanh mạnh 14.5 điểm. Số cổ phiếu tăng giá đã gấp 4 lần số cổ phiếu giảm giá. Sau một tiếng rưỡi giao dịch đã có 3,000 tỷ rót vào HOSE. Một con số thấp nhưng khởi sắc so với phiên cuối tuần trước. Nếu bỏ qua giá trị giao dịch thì thị trường đang lên khá trên diện rộng. Tâm lý hứng khởi bất ngờ của nhà đầu tư phiên giao dịch đầu năm.
Và ngành chứng khoán đang dẫn dắt thị trường với mức tăng rất mạnh 3.91%. VND đã tăng tới 5.56%, SSI tăng 3.67%, VCI tăng 4.52%, SHS (4.76%), HCM (5%), APS (7.06%), CTS (5.93%) là những cổ phiếu tăng mạnh trong nhóm. Phía giảm giá có BVS (2.91%), TVS (0.8%) và EVS đang giảm tới 4.76%. EVS thường xuyên có dấu hiệu đi ngược thị trường.
Cổ phiếu ngành thép đang tăng mạnh NKG tăng 6.53%, HSG tăng 6.49%, HPG tăng 4.17%. Có lẽ việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công là chất xúc tác cho nhóm ngành này.
Ngành xây dựng cũng tăng tốt 2.64% với CTD (4.41%), CII (5.04%), TCD (5.93%), IDJ (6.49%), FCN trần, HHV trần đáng chú ý. Ngược dòng ngành, HBC đang giảm 1.52%. Cuộc chiến nội bộ tranh giành vị trí chủ tịch của doanh nghiệp này khá bất ngờ. Một thành viên hội đồng quản trị độc lập tranh chức Chủ tịch với người sáng lập? Tuy nhiên ngành xây dựng là một ngành hết sức đặc thù, doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tầm quan hệ của người đều hành.
Các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở Việt Nam nằm trong tay một số ông chủ và có thói quen giao việc chứ không phải đấu thầu. Việc thất bại của ban lãnh đạo CTD hậu thâu tóm và thành công rực rỡ của ông Nguyễn Bá Dương sau khi bị ép rời CTD là bài học nhãn tiền. Phương Đông có câu thành ngữ “Nhập gia tuỳ tục” mà một số nhà thôn tính chưa lường hết được. Cổ đông của HBC có lẽ sẽ mong cuộc thôn tính không diễn ra. Giá của CTD sau thôn tính là bài học chưa xa.
Mở cửa hứng khởi
Đón phiên giao dịch đầu năm 2023, thị trường chứng khoán Châu Á có xu hướng tăng giảm đan xen (tính đến 9h28), Taiwan Weighted giảm 0.46%, IDX Composite tăng 0.21%, SZSE Component giảm 0.6%, Hang Seng tăng 0.63%, Shang Hai tăng 0.12%, KOSPI giảm 1.215, S&P/ASX200 giảm 1.7%.
Tin thế giới đáng chú ý có việc Trung Quốc bùng phát dịch COVID khiến chuỗi lưu thông toàn cầu tạm thời có thể tắc nghẽn trong ngắn hạn.
Chỉ số phái sinh VN30F2301 mở phiên ATO giảm 4.7 điểm từ 1,004.5 giảm còn 999.8 điểm. Tuy nhiên vào 9h32 VN30F2301 khớp ở mức 1,005.5 điểm.
VN-Index đang tăng khá mạnh 7.44 điểm (0.74%) lên 1,014.53 điểm. VN30 tăng 6.73 điểm (0.67%) lên 1,011.92 điểm. HNX-Index tăng 0.17 điểm (0.08%) lên 205.48 điểm, UPCoM tăng 0.13 điểm (0.18%) lên 71.28 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 203 (4 cổ phiếu trần)/85 (3 cổ phiếu sàn).
Rổ VN30 có 25 cổ phiếu tăng giá, 4 cổ phiếu giảm giá. Ba cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong rổ là BID, SAB, HPG với mức tăng lần lượt là 3.6%, 3.1%, 2.8%.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu họ nhà Vin là VIC và VHM giảm lần lượt 0.4 và 1.5%, cùng với MWG giảm 0.55 là những cổ phiếu giảm mạnh nhất. Nhìn chung mức giảm trong rổ không đáng kể.
Phiên giao dịch cuối năm 2022 là một phiên thị trường bị đạp vào cuối ngày một cách khá mạnh bạo. Hy vọng hôm nay tình trạng này sẽ không tiếp tục diễn ra.
Trần Vương
Nhịp đập Thị trường 03/01: Niềm vui trọn vẹn đầu năm - Vietstock
Read More
No comments:
Post a Comment