Quyết định của bộ trưởng Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đặng Hoàng An ký ngày 7-1. Theo đó, quy định giá trần là giá cao nhất của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Cụ thể, mức giá trần của khung giá với nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Khung giá này được xây dựng trên cơ sở thông tư số 15 của Bộ Công Thương. Trong đó quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Việc ban hành khung giá này là căn cứ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thực hiện.
Trước đó, EVN cũng đã có tờ trình gửi Bộ Công Thương về việc rà soát khung giá phát điện với dự án này. Đến nay EVN đã nhận được hồ sơ tài liệu của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió.
Tập đoàn này đưa ra bốn phương án để tính khung giá. Bao gồm tính toán dựa trên suất đầu tư, tỉ lệ vốn vay, lãi suất và các khoản thuế. Hoặc các phương án không bao gồm yếu tố suất đầu tư, sản lượng điện… Tuy vậy, mức giá EVN đề xuất cao hơn mức mà Bộ Công Thương vừa phê duyệt.
Như vậy sau thời gian dài chờ đợi, các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã có mức giá mới. Bởi quyết định 13 về cơ chế khuyến khích (giá FIT) điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2020. Quyết định 39 về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực từ ngày 31-10-2021.
Với các quyết định này, giá FIT được áp dụng với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh; dự án điện mặt trời mặt đất là 1.943 đồng/kWh. Trong khi đó, giá FIT áp dụng cho dự án điện gió trong đất liền là 1.928 đồng/kWh và dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh. Đây là những mức giá cao hơn rất nhiều so với mức giá vừa được phê duyệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng mức giá này được đưa ra chưa đánh giá kỹ lưỡng tình trạng các dự án bỏ không chờ giá trong thời gian dài vừa qua. Đồng thời lo ngại phương án giá được phê duyệt khó có thể nhận được sự đồng hành của nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Trong khi đó, để thúc đẩy các dự án điện gió, điện mặt trời đạt được tỉ lệ dự kiến đang xây dựng trong dự thảo quy hoạch điện 8 và thực hiện các mục tiêu Net Zero trong thời gian tới, có thể sẽ phải có thêm các ưu đãi, hỗ trợ cho nhà đầu tư khi đưa ra mức giá này.
Đã có khung giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp - Báo Tuổi Trẻ
Read More
No comments:
Post a Comment