Theo kế hoạch của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Maur), tàu chạy thử đoạn trên cao, từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái dài gần 9km. Thời gian tàu chạy diễn ra chỉ trong 15 phút, từ 9h55 đến 10h10.
Đây được xem là cột mốc quan trọng của dự án metro số 1 trước khi tiến tới khai thác thương mại cuối năm 2023. Trước đó, dự án gặp nhiều trắc trở do vướng mắc thủ tục, phát sinh chi phí mới, sự cố công trình… nên nhiều lần lỡ hẹn.
10 năm với metro số 1
Năm 2007, tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) là tuyến đầu tiên của TP.HCM chính thức được khởi động với tổng kinh phí dự kiến là 17.387 tỷ đồng.
Chỉ sau 2 năm, đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại, mức kinh phí tăng lên khoảng 47.325 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.
Việc điều chỉnh vốn đầu tư tăng cao gấp hơn 2,7 lần đã khiến tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn.
Đến tháng 8/2012, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng. Dự tính ban đầu, dự án hoàn thành sau 6 năm, nhưng rồi kế hoạch phải thay đổi.
Lý giải về việc chậm tiến độ thời điểm đó, phía Maur cho biết, nguyên nhân là do công tác giải tỏa mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3A và 4. Dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2020.
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện, nhấn mạnh việc UBND TP điều chỉnh dự án là không tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền. Theo đó, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau nhiều khó khăn, ngày 13/11/2019, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 43.757 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý 4/2021.
Tuy nhiên, từ 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuyến metro số 1 xin tiếp tục lùi thời gian hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Nhiều sự cố phát sinh
Năm 2018, TP.HCM bước vào giai đoạn khó khăn khi dự án metro không thể cán đích như kỳ vọng. Đồng thời, hàng loạt những sự cố xảy ra với tuyến metro.
Đầu tiên là vướng mắc trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư và do không được cấp vốn khiến Maur chậm thanh toán cho đơn vị thi công, tư vấn; nhiều lần tạm ứng tiền thanh toán cho các nhà thầu, chi trả cho nhân viên.
Cũng năm 2018, dự án này xuất hiện sự cố trong điều chỉnh thiết kế tường vây hầm metro (gói thầu CP1a) từ 2m xuống 1,5m. Kiểm toán Nhà nước xác định việc thay đổi này không đúng quy trình. Ngay sau đó, phía chủ đầu tư bắt đầu xảy ra khủng hoảng nhân sự Ban quản lý.
Đến tháng 11/2018, có đến 50 nhân sự của Maur xin nghỉ việc, trong đó có Trưởng ban Lê Nguyễn Minh Quang.
Từ giữa tháng 5/2022, Maur hoàn thành công tác nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu về depot Long Bình (TP Thủ Đức)
Đầu năm 2019, ông Lê Nguyễn Minh Quang mới được UBND TP.HCM miễn nhiệm chức vụ. Đồng thời, TP.HCM điều động, bổ nhiệm ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM lúc đó, về giữ chức vụ này (hiện nay ông Cường là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM). Ông Cường sau khi trở lại "ghế nóng" đã cùng tập thể Maur liên tục tháo gỡ những vướng mắc cho dự án trơn tru trở lại.
Dù vậy, cuối tháng 10/2020 và đầu năm 2021, Maur phát hiện các sự cố liên quan đến gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn. Phía chủ đầu tư cho rằng, sự cố nêu trên hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Liên danh SCC; việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng của dự án cũng như sự an toàn trong giai đoạn vận hành khai thác.
Kỳ vọng sớm đưa tàu metro số 1 hoạt động
Hiện nay, những vướng mắc, tồn tại của dự án đang được UBND TP phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ và kỳ vọng cán đích cuối năm 2023, khai thác thương mại năm 2024.
Trong suốt năm 2022, Maur và các nhà thầu Nhật Bản đã nỗ lực đẩy mạnh thi công xây dựng tuyến metro số 1 đạt được những kết quả quan trọng như nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu vào đầu tháng 5; chạy thử nghiệm trong khu vực Depot Long Bình (TP Thủ Đức) vào cuối tháng 8; hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi vào đầu tháng 9.
Đặc biệt, trong sáng 21/12, Maur tiến hành công tác chạy thử nghiệm đoàn tàu ở các ga trên cao từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái.
Dự án metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Hiện nay dự án hoàn thành 93% khối lượng. Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. |
10 năm trắc trở của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên - VietNamNet
Read More
No comments:
Post a Comment