Khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến giá điện ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tăng cao.
Theo dữ liệu của Ember (tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng của Anh), giá điện bán buôn trung bình tháng 10 tại nhiều nước châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá điện tại Italy hiện là 211,2 euro một MWh (tính ra tiền Việt là khoảng 5.714 đồng một kWh). Kế đến là Pháp với 178,9 euro một MWh hay Anh là 136,6 euro một MWh. Các mức giá điện này tại hầu hết quốc gia châu Âu tăng 40-50% so với đầu năm.
Kết quả thăm dò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đức (Verbraucherzentrale) cho thấy, từ tháng 10 mỗi hộ gia đình nước này phải trả thêm bình quân khoảng 350 euro một năm cho tiền điện và 300 euro mỗi năm cho khí đốt sưởi.
Giá điện tại nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, bị chi phối bởi giá điện sản xuất từ khí đốt (khoảng một nửa nguồn khí đốt tự nhiên được nhập từ Nga). Chính sự phụ thuộc này khiến giá điện tại châu Âu tăng vọt khi xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp và các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga làm nguồn cung khí đốt bị gián đoạn.
Tại châu Á, giá điện ở Tokyo (Nhật Bản) tháng 10 cũng tăng gần 27%. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát ở một quốc gia nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu. Lạm phát đè nặng lên các hộ gia đình, vốn đã chứng kiến mức lương trì trệ trong vài thập kỷ qua và không đủ khả năng chi trả cho chi phí gia tăng.
Hay tại Hàn Quốc, giá bán buôn điện đã đạt mức cao nhất vào ngày đầu tiên của tháng 9 do giá khí đốt quốc tế tăng mạnh. Theo Korea Power Exchange, giá biên hệ thống (SMP), Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) trả cho các nhà máy điện đã tăng lên mức cao kỷ lục hàng ngày là 228,96 won một kWh (4.287 đồng) cho nội địa, cao hơn hồi tháng 4 khoảng 26,85 won một kWh.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết, đã đảm bảo hơn 90% nhu cầu khí đốt đến tháng 3 năm sau thông qua hợp đồng cung cấp dài hạn và có thể mua trên thị trường giao ngay nếu có bất kỳ sự thiếu hụt nào trong mùa đông.
Tương tự, ở Thái Lan, giá điện sinh hoạt đã tăng lên 4,72 baht một kWh (khoảng 3.273 đồng) từ tháng 9, khi Ủy ban điều tiết năng lượng (ERC) tăng biểu giá nhiên liệu. Lý do buộc ERC phải điều chỉnh thuế nhiên liệu là do Thái Lan buộc phải nhập thêm LNG để cung cấp cho các nhà máy điện, trong bối cảnh sản lượng khí nội địa sụt giảm.
ERC dự đoán tình trạng thiếu LNG sẽ kéo dài đến năm 2023 do nguồn cung ở Thái Lan và Myanmar vẫn chưa ổn định và tình hình kinh tế cản trở đầu tư vào các dự án thăm dò LNG mới.
Ủy ban này cho biết đang nghiên cứu khả năng sử dụng các nhiên liệu khác để cung cấp cho các nhà máy điện của Thái Lan, gồm nhiên liệu dầu, diesel, than đá, thủy điện và năng lượng tái tạo. ERC cũng kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm điện để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào LNG nhập khẩu.
Để tránh giá điện leo thang, EU và nhiều quốc gia khác đang tung ra loạt gói cứu trợ năng lượng.
Liên Minh châu Âu (EU) đang nỗ lực kiểm soát giá đối với khí đốt dùng để sản xuất điện, cũng như yêu cầu các nhà máy điện chạy bằng khí phải bán với giá chiết khấu trong các thị trường ngắn hạn.
Loạt giải pháp để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại được các nước thành viên EU đưa ra, như các gói trợ cấp của từng chính phủ cho người dân; áp thuế lợi tức phụ thu để thu hồi một phần lợi nhuận từ các nhà sản xuất năng lượng và đề xuất áp trần giá khí đốt... Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh việc EU có nên áp trần khí đốt hay không và mức nào là hợp lý. Cuộc nhóm họp hôm 24/11 của bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu đã không đem lại kết quả, khi nhiều thành viên EU phản đối chuyện áp giá trần khí đốt và cho rằng mức đề xuất 275 euro một MWh là không thỏa đáng.
Hiện, Nga đã giảm hoặc dừng hẳn dòng khí đốt qua các đường ống hướng Tây, chuyển nguồn cung dầu sang hướng Đông.
Theo Reuters, Ủy ban các chuyên gia Chính phủ Đức đề xuất gói hỗ trợ trị giá 93 tỷ USD để giảm bớt áp lực cho người dân trước tình trạng giá khí đốt tăng cao. Theo đó, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cấp một khoản hỗ trợ một lần trị giá bằng hóa đơn khí đốt của một tháng trong năm nay, và chính sách để kìm giá nhiên liệu từ tháng 3/2023. Khoản hỗ trợ này sẽ được trích từ gói cứu trợ 194 tỷ USD mà chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz công bố hồi tháng 9.
Còn Nhật Bản, cuối tháng 10, chính phủ đã công bố các biện pháp trợ cấp để giảm gánh nặng hóa đơn tiền điện, khí đốt và chi phí xăng dầu cho người dân, từ tháng 1 đến tháng 9/2023.
Theo đó, từ đầu năm sau, hóa đơn tiền điện của mỗi hộ gia đình Nhật sẽ được trợ cấp 7 yen một kWh, tức là giảm khoảng 20% giá thành. Doanh nghiệp được giảm 3,5 yen một kWh.
Chính phủ nước này cũng hỗ trợ 30 yen một m3 khí đốt cho mỗi hộ gia đình và doanh nghiệp. Cùng đó, mức trợ giá cho các đầu mối bán buôn xăng dầu cũng tiếp tục được gia hạn đến cuối năm và có thể được điều chỉnh trong nửa đầu tài khóa 2023.
Anh Minh (theo Reuters, Ember)
Giá điện tăng cao ở nhiều quốc gia - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment