Ông Nguyễn Minh Sơn - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 17-10, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi về vấn đề thời gian qua xảy ra tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hay bán cầm chừng, chỉ bán 30.000 - 50.000 đồng mỗi lần cho người dân, nguyên nhân do mức chiết khấu.
Với trách nhiệm là cơ quan dân cử, Quốc hội có ý kiến thế nào với Chính phủ, các cơ quan chức năng để giải quyết câu chuyện này? Việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu hiện đã được Chính phủ trình sang Quốc hội chưa và quan điểm của Quốc hội?
Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay vấn đề xăng dầu trong thời gian vừa qua gây ra nhiều bức xúc và khi đi tiếp xúc cử tri cũng nhận được nhiều ý kiến.
Đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trong đó có nguyên nhân giá xăng dầu thế giới có biến động với biên độ lớn trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp với giá thế giới.
Do đó Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu.
Về xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của xăng dầu, theo ông Sơn, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về các loại thuế này với xăng dầu báo cáo Quốc hội xem xét khi giá xăng dầu tăng cao.
Đến nay Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất.
Ngoài ra theo ông Sơn, tại báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội cũng đã đề cập đến vấn đề giá xăng dầu thời gian vừa qua và sắp tới sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Phóng viên đã dẫn báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 2022 của Ủy ban Kinh tế đánh giá: Những vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu, chứng khoán gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin.
Đề nghị cho biết cơ sở nào để Ủy ban Kinh tế đánh giá như vậy? Quan điểm của Ủy ban Thường vụ về vấn đề này như thế nào?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến lừa đảo tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan.
Vấn đề này thời gian gần đây cũng làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hơi xáo trộn. Qua phản ánh của báo chí những ngày đầu tiên người dân đã kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì tình hình đã lắng xuống.
Ông Sơn cũng đề nghị người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề cũng như hoạt động của ngân hàng, hệ thống là để đảm bảo cho người gửi tiền.
Về dự án Luật đất đai, ông Sơn cho hay công tác xây dựng đã được làm từ sớm, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, dự thảo được đăng lấy ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó Chính phủ cho ý kiến rồi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về các nội dung, nghe và chỉ đạo liên quan xây dựng luật này. Ngoài ra đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và sẽ được triển khai vào tháng 1-2023.
Cơ quan soạn thảo, chủ trì, thẩm tra nhiều lần, tổ chức nhiều lần hội thảo tọa đàm, hiện đang triển khai ở từng địa phương một. Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng chủ động lấy ý kiến. Hiện cơ quan chủ trì thẩm tra nhận được nhiều ý kiến từ các bên về dự án luật này.
Ông Sơn cho hay cơ quan soạn thảo nỗ lực thể chế hóa tương đối đầy đủ nghị quyết 18 của trung ương, trong đó có 8 cơ chế chính sách để giải quyết các hạn chế, bất cập đã được tổng kết từ luật 2013 liên quan khiếu nại khiếu kiện, thu hồi, bồi thường, tái định cư, giá đất...
'Việc kiểm soát ngân hàng là để đảm bảo cho người gửi tiền' - Tuổi Trẻ Online
Read More
No comments:
Post a Comment