Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Chiều 19-9, trình bày tờ trình về dự án Luật giá (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo luật quy định và đưa thành một điều riêng về lập quỹ bình ổn giá.
Theo ông Phớc, việc này để đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn, thì mới lập quỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo dự luật) khi lấy ý kiến luật này từng đề nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay đa số ý kiến thường trực ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
Theo ông Cường, bối cảnh hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp.
Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Song ông Cường nêu rõ việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, trong dự thảo luật chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng, điều hành quỹ cần linh hoạt hơn, tăng trách nhiệm, công khai, minh bạch.
"Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế", ông Cường góp ý.
Cũng theo ông Cường, các ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì quỹ bình ổn xăng dầu cho rằng đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít).
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ.
Giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường.
Vì thế, phát sinh thực tế là thời điểm giá xăng dầu tăng cao, trường hợp quỹ bị âm thì doanh nghiệp vẫn phải chi từ quỹ, thậm chí là vay ngân hàng bù vào. Còn khi giá thế giới xuống thấp, giá xăng dầu trong nước lại giảm chậm do phải trích lập quỹ, bù đắp cho phần quỹ âm trước đó.
Theo các ý kiến này, thay vì dùng quỹ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế, ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Đây cũng là công cụ điều tiết nhiều quốc gia đang áp dụng.
Góp ý sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua, nêu nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị có đánh giá, tổng kết về hoạt động, trích và sử dụng của quỹ bình ổn giá.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình: "Dự luật vẫn giữ nhưng chưa thấy có đánh giá, tổng kết, nêu xử lý của Chính phủ với các ý kiến khác nhau".
Chính phủ đề xuất giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội nói chưa thấy đánh giá, tổng kết - Tuổi Trẻ Online
Read More
No comments:
Post a Comment