Đến ngày 29/8, cơ quan chức năng sẽ hoàn thành trả giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu cho 5/7 doanh nghiệp đầu mối và ngày 14/9 sẽ tiếp tục trả cho 2 đơn vị còn lại.
Mới đây, tại cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết trên cả nước mới có số ít cửa hàng phản ánh không đủ nguồn hàng.
"Vừa qua, Tổng cục cũng đã chủ trì đoàn thanh tra 23 doanh nghiệp đầu mối và tước giấy phép 7 đơn vị. Đến nay 4 doanh nghiệp đã được trả giấy phép xuất nhập khẩu. Đến ngày 29/8 sẽ hoàn thành trả giấy phép cho 5/7 doanh nghiệp và ngày 14/9 sẽ tiếp tục trả lại giấy phép cho 2 doanh nghiệp còn lại", lãnh đạo Tổng cục QLTT thông tin.
Trước đó, những doanh nghiệp đầu mối này bị tước giấy phép 1,5-2 tháng do thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu như cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...
"Lúc nào cũng muốn lãi nhiều thì ai chịu lỗ"
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết gần đây một số đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng việc tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối đã ảnh hưởng đến nguồn cung.
"Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu xăng dầu không lớn, chỉ 20-28% nhu cầu trong nước, trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, 7 hay 10 doanh nghiệp vi phạm bị rút giấy phép trong thời hạn nhất định thì cũng không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước", ông nhấn mạnh.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng lấy lý do thiếu nguồn cung vì một số doanh nghiệp bị rút giấy phép này là hoàn toàn sai sự thật.
Theo Bộ trưởng Công Thương, việc rút giấy phép xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối không làm ảnh hưởng đến nguồn cung. Ảnh: Chí Hùng. |
Người đứng đầu Bộ Công Thương tiếp tục nêu ra vấn đề khi có ý kiến cho rằng do chiết khấu bằng 0 nên nhiều cửa hàng không kinh doanh được, càng bán càng lỗ. "Câu hỏi đặt ra là lúc giá lên cao thì tại sao không thấy doanh nghiệp nào đề xuất đến chuyện chiết khấu mà hệ thống bán buôn, bán lẻ của chúng ta vẫn ổn định. Đến bây giờ giá thấp xuống thì lại đề cập vấn đề này...".
Theo ông, doanh nghiệp đã tự nguyện xin được trở thành đơn vị có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu thì phải chấp nhận rủi ro nếu có. Doanh nghiệp được hưởng lợi thì khi khó khăn cũng phải chấp nhận và chia sẻ rủi ro. Trong kinh doanh thì có lúc lỗ, lúc lãi, lúc nào cũng muốn lãi nhiều thì ai chịu lỗ.
Bộ Công an sẽ sớm vào cuộc điều tra xử lý theo pháp luật tình trạng kêu gọi các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạo bất ổn trong dư luận.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, Cục phó Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an.
Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, Cục phó Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an cho biết gần đây trên các diễn đàn xăng dầu xuất hiện kêu gọi các cửa hàng xăng dầu đóng cửa.
Theo ông, Bộ Công an đã nắm tình hình và có ba vấn đề cần chú ý. Một là xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu cần làm đúng pháp luật. Hai là về nguồn cung, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu Chính phủ gia tăng nguồn cung vốn đã được làm tốt.
"Ba là tình trạng trên mạng xã hội kêu gọi các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạo bất ổn trong dư luận", ông nói.
Sản xuất trong nước đã đáp ứng 80%
Về nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết 2 tháng trở lại đây, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn đã bảo đảm đủ nguồn cung tới 72% lượng xăng dầu trong nước theo yêu cầu.
"Hai đơn vị này cũng cam kết trong quý IV, tức là thời gian còn lại của năm sẽ bảo đảm đủ nguồn cung tới 80% nhu cầu của cả nước. Vì vậy, Việt Nam đã có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu và chỉ có 20% nhập khẩu", ông nói.
Ông Diên tính toán 20% nhập khẩu nhân với mức 1,7 triệu m3/tháng thì Việt Nam chỉ cần khoảng 400.000 m3 phải nhập khẩu. Trong khi Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thì con số 400.000-450.000 m3 hoặc hơn cũng không phải quá lớn.
Giá xăng đã giảm hơn 8.000 đồng/lít trong hơn một tháng qua. Ảnh: Nhật Sinh. |
"Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định nguồn cung xăng dầu không bao giờ thiếu", ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu cơ quan quản lý yêu cầu tất cả doanh nghiệp từ thương nhân, nhà phân phối và các doanh nghiệp bán lẻ đều phải chủ động nguồn hàng theo quy định, không được viện lý do để gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam để bảo đảm các doanh nghiệp đưa lượng xăng dầu về nước không chịu gánh phí quá cao và đề nghị nâng mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu trong cấu thành giá của mặt hàng xăng.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt thòi. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ xem xét để đề nghị với các cơ quan chức năng cấu thành mức chiết khấu và giá thành bán lẻ.
doanh nghiệp xăng dầu doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giá xăng chiết khấu xăng thiếu xăng giá xăng dầu đóng cửa xăng tăng giá
Đến 14/9, bảy doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được trả giấy phép - Zing News
Read More
No comments:
Post a Comment