Giải trình Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói vì sự phức tạp và số tiền lớn, gói phục hồi kinh tế cần làm "rất thận trọng để tránh sơ suất, trách nhiệm sau này".
Thảo luận về kinh tế xã hội sáng 2/6, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế tới giờ vẫn chưa được giải ngân. Có ý kiến cho rằng, chủ trương gói phục hồi kinh tế được thông qua "một cách khẩn trương nhất" nên cũng cần "quyết tâm đặc biệt" để tạo nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch.
Giải trình trước Quốc hội về chậm giải ngân gói phục hồi kinh tế, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, cho biết đến ngày 2/6 có 11 trong 14 chính sách, cơ chế của chương trình phục hồi kinh tế được ban hành. Một số văn bản, chính sách ban hành chậm do chương trình, chính sách thuộc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất phức tạp, cần phối hợp giữa các bộ, ngành. Hiện còn 3 văn bản hướng dẫn đang được các đơn vị làm.
"Một số chính sách đã thực hiện trước đây có những việc làm chưa tốt, còn vướng mắc, nên các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Thêm nữa, ông cho rằng, nhiệm vụ này là mới, không có trong kế hoạch dài hạn, thường xuyên, do đó "cũng nảy sinh nhiều công việc mà các bộ, ngành chưa chủ động".
Về các khoản chi của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, Phó thủ tướng cho rằng, phải phân tích, bóc tách thì mới có thể kết luận "chậm hay không".
Theo đó, khoảng 2 tỷ USD (tương đương 46.000 tỷ đồng) được lấy từ Quỹ tài chính hợp pháp để mua vaccine, trang thiết bị y tế. Dịch bệnh hiện đã được kiểm soát thì khoản tiền này sẽ được dùng tùy theo tình hình sắp tới, nếu cần có thể chi ngay.
Còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng, được chia thành hai khoản chi chính 125.000 tỷ đồng (gồm khoản chi cho miễn, giảm thuế, hỗ trợ người lao động thuê nhà, hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại) và 176.000 tỷ thuộc về đầu tư công.
Việc thực hiện các chính sách liên quan tới chi cho miễn, giảm thuế, ông Lê Minh Khái đánh giá, đã được làm rất nhanh, giải ngân kịp thời. Ví dụ, 18 ngày sau khi Nghị quyết 43 về chương trình phục hồi kinh tế của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Hay việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô và giảm một số sắc thuế khoảng 6.000 tỷ đồng, đến cuối năm nay sẽ xong.
Tuy nhiên, khoản 6.600 tỷ tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà, đến nay giải ngân được gần 2 tỷ.
Về khoản hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại 40.000 tỷ đồng, ông Khái nói chậm vì làm chặt chẽ hơn, rút kinh nghiệm từ triển khai gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng hồi năm 2008-2009. Việc này để khi thực hiện chính sách này thông suốt và thuận lợi.
Đề cập tới khoản chi dành cho đầu tư hạ tầng (134.000 tỷ) bị chậm khiến nhiều đại biểu lo lắng, ông Khái thừa nhận, chậm vì phải theo Luật Đầu tư công, bởi thông thường dự án đầu tư công từ thời điểm bắt đầu chủ trương tới khi đưa vào kế hoạch thường mất khoảng 1,5 năm.
Chốt lại, thừa nhận giải ngân gói phục hồi kinh tế chậm, nhưng ông Khái tin rằng "gói này sẽ thực hiện tốt thời gian tới".
Phó thủ tướng: Gói phục hồi kinh tế làm 'thận trọng để tránh sơ suất' - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment