Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về triển khai xây dựng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: VGP
Ngày 22-4, Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, trưởng Ban Chỉ đạo. Đây là cuộc họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo sau cuộc họp đầu tiên vào đầu tháng 3-2022 với sự tham gia của 23 lãnh đạo địa phương.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, đối với dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1), giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, đạt 100% công tác bồi thường.
"Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời; trong phạm vi mặt bằng đã bồi thường vẫn còn tồn tại vướng mắc trên tổng chiều dài khoảng 2,6km", ông Nguyễn Duy Lâm nói.
Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 20.087 tỉ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,7% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Khó khăn đặt ra là giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, nên thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), đến nay Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng cho các địa phương khoảng 136,3km và tiếp tục bàn giao thêm 84,5km (tổng số 220,8km, đạt 30,3% tổng chiều dài tuyến).
Dự kiến đến ngày 30-4 sẽ tiếp tục phê duyệt và bàn giao thêm khoảng 275,6km (tổng số 496,4km, đạt 68% tổng chiều dài tuyến); các đoạn còn lại sẽ tiếp tục bàn giao từng phần và hoàn thành toàn bộ trước ngày 30-6.
Trước tình trạng vẫn còn thiếu vật liệu đắp nền dù không nhiều, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo rõ vướng mắc, biện pháp để xử lý dứt điểm, không để kéo dài thêm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết bộ đã chủ động phối hợp với một số bộ liên quan để xây dựng nghị định về cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 5.
Kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng khối lượng công việc còn rất nhiều, "vừa lớn, vừa khó, vừa phức tạp" bởi trong 5 năm cần hoàn thành khoảng 1.400km cao tốc, trong khi 20 năm trước mới chỉ làm được hơn 1.000km.
Ông đề nghị lãnh đạo bộ xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án, bởi ông băn khoăn khi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu mét khối, gắn đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan.
Chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đúng cam kết về tiến độ, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày, từng tuần, từng tháng. Trong trường hợp không đạt tiến độ thì thay ngay nhà thầu. Tập trung giải quyết dứt điểm việc cấp mỏ vật liệu xây dựng.
Ông cũng nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.
"Cần đặc biệt chú trọng chất lượng, đưa chất lượng lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng", Phó thủ tướng lưu ý, thường xuyên kiểm tra năng lực thực sự của nhà thầu, "xem trên công trường có đầy đủ thiết bị, nhân công hay không".
Đối với giai đoạn 2 của dự án, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến 31-12.
Các địa phương rà soát, thống nhất trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệu, bãi đổ chất thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30-6. Thực hiện thủ tục lựa chọn, chỉ định nhà thầu thi công thực sự có năng lực về tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Mục tiêu phải khởi công đồng loạt 12 dự án ngay trong năm 2022.
Làm thêm 2.000km cao tốc trước năm 2025 - Tuổi Trẻ Online - Tuổi Trẻ
Read More
No comments:
Post a Comment