Nga, Ukraine đóng vai trò quan trọng với chuỗi cung ứng, trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ về công nghệ nếu được áp dụng cũng sẽ gây xáo trộn toàn ngành.
Theo Gizchina, Nga và Ukraine không phải những nước có nền công nghệ phát triển hàng đầu nhưng lại đóng vai trò lớn vào nguồn cung. Trong đó, Ukraine cung cấp khí neon phục vụ sản xuất chất bán dẫn. Còn Nga là một trong những nước khai thác quặng niken lớn nhất, là nguyên liệu chính để sản xuất pin xe điện - thiết bị di chuyển sẽ thay thế loại động cơ đốt trong đang rất phổ biến.
Ukraine đang cung cấp cho Mỹ hơn 90% khí neon bán dẫn - thành phần quan trọng cho các tia laser được sử dụng trong sản xuất chip xử lý. Theo công ty nghiên cứu thị trường Techcet, khí neon cũng là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp thép Nga và được tinh chế ở Ukraine. Hiện 35% palladium ở Mỹ đến từ Nga, được sử dụng chủ yếu trong sản xuất cảm biến và bộ nhớ. Nga cũng chiếm tới 45% nguồn cung palladium toàn cầu.
Joanne Chiao, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, cho biết Nga hiện không phải là một trong những thị trường chính cho ngành đúc chip. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine có thể khiến các nguyên liệu thô tăng giá, kéo theo việc tăng giá sản phẩm cuối. Kể từ khi xung đột Nga và Ukraine leo thang vào tháng 12/2021, giá palladium đã tăng 52%. Trong quá khứ, chi phí sản xuất đèn neon từng tăng 600% chỉ sau một đêm khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Ngoài chip xử lý, giới công nghệ cũng chờ đợi các phản ứng từ Nga khi nước này nắm giữ lượng khai thác niken lớn. Nếu nguồn cung bị gián đoạn hoặc giá tăng cao, pin xe điện sẽ bị khan hiếm hoặc tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường xe điện toàn cầu - vốn có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là 122% vào năm 2021.
Trong khi đó, theo Fortune, sau các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với doanh nghiệp và lãnh đạo Nga, Mỹ có thể đang nghiên cứu một đợt trừng phạt khác bằng cách ngăn nước này tiếp cận các chất bán dẫn được sản xuất bởi công nghệ Mỹ. Đây có thể là đòn giáng nặng nề vào ngành công nghệ Nga khi tất cả thiết bị hiện đại như ôtô, smartphone hay tên lửa, đều phụ thuộc vào nguồn cung chất bán dẫn.
Nguồn tin cũng cho biết Nhật Bản, Singapore và Đài Loan được cho là đã bày tỏ sự ủng hộ nếu lệnh cấm được áp đặt. Đài Loan hiện là công xưởng sản xuất chip hàng đầu thế giới, Nhật Bản có thế mạnh về sản xuất chip ôtô trong khi Singapore cũng nơi đặt nhà máy sản xuất chính của Qualcomm và Broadcom.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp Mỹ vẫn tỏ ra dè dặt khi nhắc đến lệnh cấm và cho rằng việc sử dụng sức mạnh quốc gia về chip xử lý để chống lại Nga sẽ đặt toàn ngành vào "vùng nước chưa được thăm dò". "Chúng tôi vẫn đang cố gắng đánh giá tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu", Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ ra thông báo khi Nhà Trắng lần đầu nêu khả năng vũ khí hóa nguồn cung chip của Mỹ vào tháng 1.
Các chuyên gia đánh giá trong ngắn hạn, lệnh cấm của Mỹ nếu được áp dụng sẽ khiến Nga tìm các biện pháp đối phó. Lâu dài, động thái này thậm chí có thể gây tác dụng ngược và làm suy yếu hoàn toàn lợi thế trong ngành sản xuất chip của Mỹ nếu Nga hợp tác sâu hơn với Trung Quốc. Fortune cho biết Mỹ đang nghiên cứu các lựa chọn cắt nguồn cung chất bán dẫn cho tất cả doanh nghiệp Nga hay chỉ với một số công ty liên quan đến quân đội hoặc các ngành mà nước này xem là trọng yếu.
Khủng hoảng Nga - Ukraine phủ bóng lên ngành công nghệ - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment