Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) vừa phát đi thông báo về chủ trương chỉ đạo xử lý của Thường trực Ban chỉ đạo đối với vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Việt Á.

Đưa vụ Việt Á vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo

Theo đó, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cả nước đã có nhiều nỗ lực cố gắng, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19. Thường trực Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng đã chỉ đạo, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, và yêu cầu:

Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào.

Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực.

Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng đôn đốc, kiểm tra, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo để chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Đưa vụ Việt Á vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo - Ảnh 2.

Bị can Phan Quốc Việt (bìa trái) cùng các bị can ở Công ty Việt Á - Ảnh: Bộ Công an cung cấp

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương; Vũ Đình Hiệp và Phan Tôn Noel Thảo cùng 3 người khác về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Để điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An đồng thời triệu tập ghi lời khai hơn 30 đối tượng liên quan

Trong quá trình điều tra, C03 đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến… C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan cũng như rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để bảo đảm thu hồi cho Nhà nước.

Bị can Phạm Duy Tuyến (trái) và Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Mạnh Cường - cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương - Ảnh: Bộ Công an cung cấp

Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Bước đầu, Phan Quốc Việt và các lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á đã khai nhận quá trình kinh doanh, tiêu thụ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty này. Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm kit test thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện (BV), CDC các tỉnh, thành sử dụng.

Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách công ty sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho công ty theo giá do công ty đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo BV, CDC các tỉnh, thành trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, C03 xác định Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến gần 30 tỉ đồng. Hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi...; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.

T.Dũng