Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện TƯ quân đội 108 (Trung tâm nghiên cứu y học Việt Đức) đã xác định trường hợp ca nhiễm Omicron đầu tiên. Cụ thể, ngày 19.12, bệnh viện TƯ Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách K.V.H.M từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài tối 19.12, hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên |
Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân K.V.H.M là trở về từ Anh quốc, ngày 20.12, bệnh viện đã giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Ngày 21.12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân K.V.H.M. Kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh.
Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các ca nghi mắc Covid-19 tại Hà Nội trần cường |
Lãnh đạo Bộ KH-CN lý giải Việt Á được chọn sản xuất kit test. Trả lời câu hỏi của báo chí sáng nay 28.12 về việc tại sao chọn Việt Á sản xuất kit test, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho hay trước khi Học viện Quân y được giao chủ trì nhiệm vụ liên quan đến kit test, nhiều người khuyến cáo ở Việt Nam lựa chọn công ty nào có thể sản xuất được kit test lên tới hàng triệu cái. “Công ty Việt Á là một trong những đơn vị sản xuất kit test và các nhà khoa học Học viện Quân y đã đề xuất Việt Á tham gia”, ông Tạc nói.
Giải thích lý do vì sao kit test của Việt Á được cấp phép “thần tốc”, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết thời điểm tháng 3.2020, Việt Nam vô cùng thiếu kit test, trong kho của Bộ Y tế có lúc còn 50 cái. “Thiếu như thế nhưng muốn đặt mua không mua được; các nhà khoa học về dịch tễ yêu cầu Bộ KH-CN cho nghiệm thu ngay. Chúng tôi họp nghiệm thu và sau đó hội đồng này đã có biên bản gửi Bộ Y tế đề nghị cấp phép khẩn cấp cho bộ kit test do Học viện Quân y phối hợp với Việt Á sản xuất”, theo ông Tạc.
Đà Nẵng thanh tra việc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống Covid-19. Chiều 28.12, thông tin từ Thanh tra TP.Đà Nẵng cho hay Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022 của Thanh tra TP.Đà Nẵng. Đáng chú ý, kế hoạch thanh tra năm 2022 có nội dung thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống Covid-19 tại Sở Y tế mà cụ thể là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng, thuộc Sở Y tế).
Trước đó, vào chiều 20.12, Sở Y tế TP.Đà Nẵng thông tin về việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR tại địa phương, trong đó có 270.000 kit test của Công ty Việt Á. Theo Sở Y tế TP.Đà Nẵng, hồi tháng 5.2021, dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp bách và kịp thời về sinh phẩm xét nghiệm. Thời điểm đó, CDC Đà Nẵng đã thực hiện mua sắm 70.000 sinh phẩm xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit, hãng sản xuất Việt Á/Việt Nam với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.
Công an Đắk Lắk thu thập thông tin vụ mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á. Liên quan việc ngành y tế Đắk Lắk mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, ngày 28.12, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, xác nhận cơ quan công an vừa làm việc với sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk. Theo ông Nay Phi La, Công an tỉnh Đắk Lắk đã đến làm việc nhằm yêu cầu cung cấp số liệu liên quan đến việc mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.
Cũng liên quan đến vụ việc, ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC Đắk Lắk, xác nhận đơn vị đang giao bộ phận tài chính làm báo cáo gửi đến cơ quan công an về nội dung mua kit test của Công ty Việt Á. Như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, vào ngày 21.12, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết phía CDC tỉnh Đắk Lắk đã mua gần 20.000 kit test Covid-19 của Công ty Việt Á với tổng giá trị khoảng 6 tỉ đồng.
CDC Bạc Liêu nhiều lần mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á. Chiều 28.12, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bạc Liêu, cho biết theo tờ trình của Sở Y tế, ngày 29.11, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ký quyết định số 1794 về việc giải quyết kinh phí điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, test nhanh Covid-19 năm 2021 với tổng số tiền hơn 238 tỉ đồng. Trong hơn 164 tỉ đồng mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, test nhanh Covid-19, tỉnh Bạc Liêu đã chi 45 tỉ đồng để mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á gồm 100.000 bộ kit test với giá 450.000 đồng/bộ.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Vĩnh An, Giám đốc CDC Bạc Liêu, xác nhận đơn vị đã nhiều lần mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á, nhưng với số tiền khoảng 5 tỉ đồng. Ông An lý giải, đơn vị mua sinh phẩm xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á có giá từ 350.000 đến 360.000 đồng/bộ kit test, thấp hơn nhiều so với Công ty Việt Á chào giá lên đến gần 500.000 đồng/bộ kit test. Theo ông An, việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, đơn vị làm rất chặt chẽ, chọn mua với giá rất thấp, mua theo hình thức chỉ định thầu.
Thừa Thiên - Huế bắt đầu điều trị F0 tại nhà. Kể từ hôm nay (28.12), UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà. Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, các địa phương được yêu cầu triển khai quản lý, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà đối với các trường hợp đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh triển khai việc này rất thận trọng, cần có thời gian chuẩn bị chu đáo tại các địa phương, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, chuẩn bị nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... Đến nay, các địa phương đã cơ bản hình thành được mạng lưới tổ y tế lưu động (mỗi xã, phường thành lập ít nhất 1 tổ) gắn với hoạt động của tổ phòng chống dịch Covid-19 cộng đồng để sẵn sàng tổ chức quản lý, điều trị F0 tại nhà đối với đối tượng đủ điều kiện.
Tiền Giang huy động lực lượng y tế chăm lo cho 25.000 F0 đang điều trị tại nhà. Ngày 28.12, bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, ký ban hành công văn huy động toàn bộ hệ thống y tế công - tư trên địa bàn tỉnh để tập trung chăm lo cho khoảng 25.000 bệnh nhân Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà. Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trực thuộc, hội nghề nghiệp, phòng khám tư nhân, chuyên khoa tư nhân cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác quản lý, tư vấn, khám bệnh, điều trị cho F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc tăng cao mỗi ngày. Cụ thể, từ ngày 8.12 đến nay, mỗi ngày có trên 1.500 ca mắc Covid-19 mới, đa số được phát hiện qua test nhanh. Toàn tỉnh hiện có hơn 25.000 người mắc Covid-19, phần lớn đang cách ly, điều trị tại nhà.
Bình Phước triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19. Ngày 28.12, UBND tỉnh Bình Phước triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chiến dịch nhắm đến đối tượng là người có bệnh nền có nguy cơ cao, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19. Thời gian triển khai từ ngày 28.12 đến ngày 28.1.2022 và tiếp tục triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc Covid-19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Việc quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết. Bình Phước đang có 26.694 ca nhiễm Covid-19. Trong đó có 15.888 ca khỏi bệnh, 54 ca tử vong. Hiện còn 10.486 ca đang tiếp tục được điều trị, theo dõi.
Lâm Đồng ghi nhận ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Sáng 28.12, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết tỉnh mới ghi nhận thêm 358 ca nhiễm Covid-19. Đây là số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong 1 ngày cao nhất kể từ đầu dịch đến nay, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 toàn tỉnh lên 9.054 ca. Trong số 358 ca Covid-19 mới, phần lớn phát hiện trong cộng đồng.
Cụ thể, tại TP.Đà Lạt ghi nhận 58 ca, trong đó 46 ca cộng đồng; H.Đức Trọng 65 ca, có 45 ca cộng đồng; TP.Bảo Lộc 43, có 32 ca trong cộng đồng, 8 ca về từ vùng dịch; H.Bảo Lâm 45, trong đó 31 ca cộng đồng; H.Di Linh ghi nhận thêm 49, trong đó 29 ca cộng đồng. H.Đơn Dương phát hiện thêm 41 ca cộng đồng, H.Lâm Hà thêm 31 ca, trong đó 26 ca cộng đồng... Từ đầu dịch đến nay Lâm Đồng ghi nhận 9.054 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có 26 ca tử vong. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân trên địa bàn TP.Đà Lạt và một số địa phương.
Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin Covid-19 tự cách ly 3 ngày |
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Hà Nội yêu cầu tự cách ly 3 ngày đối với người nhập cảnh tiêm đủ vắc xin. Trưa nay 28.12, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký tiếp Quyết định 4697/UBND-KGVX về phòng chống dịch với người nhập cảnh. Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ số liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú; không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Người nhập cảnh chủ động liên hệ, khai báo thông tin với y tế địa phương nơi lưu trú để thực hiện quản lý và xét nghiệm SARS- CoV-2 theo quy định; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3. Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Tin liên quan
Tình hình Covid-19 hôm nay 28.12: Lý giải kit test Việt Á được cấp phép ‘thần tốc’ - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment