Cát, xi măng, gạch đồng loạt tăng
Ông Cao Văn Hồng, chủ thầu đang hoàn thiện một căn nhà phố 3 tấm trên đường Tân Phước (P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết ngoài sắt thép, giá nhiều vật liệu xây dựng như cát, gạch, xi măng trong vài tháng qua đều tăng mạnh. Mới đây, sau khi có thông báo 3 tuần, ngày 21.4, xi măng Bỉm Sơn từ các đại lý cũng chính thức tăng 30.000 đồng/tấn, một số loại khác cũng tăng mức tương đương hoặc tăng đến 40.000 đồng/tấn. “Giá thép thì tăng từ 14.000 đồng/kg lên 19.000 đồng/kg trong tháng 4 này. Ngay cả cát tô chở từ miền Tây lên cũng được báo tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/khối trong tháng 4. Nếu tính từ trước tết đến nay, cát tăng đến hơn 40.000 đồng/khối. Còn gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/viên lên 3.700 đồng/viên... Không chỉ có sắt thép thôi đâu, nhiều vật liệu xây dựng khác, không liên quan đến giá phôi thép thế giới biến động, cũng tăng vù vù. Quá mệt mỏi, quá ngán ngẩm”, ông Hồng bức xúc.
Giá vật liệu tăng, các chủ thầu nhỏ đã bị ảnh hưởng trầm trọng. Giá xây dựng thô tại thời điểm trước tết, ông Hồng báo khách là 3,3 triệu đồng/m2, nay báo lại 3,6 triệu đồng/m2. “Tuần trước, khách ở Q.9 chốt giá, ký hợp đồng xây dựng nhà 2 tấm bao phần thô giá 2,5 tỉ đồng, trong khi giá chúng tôi báo họ trước tết chỉ hơn 2,1 tỉ đồng. Nhưng vừa ký tuần trước, tuần này giá vật liệu xây dựng lại tăng tiếp, phải 3,8 triệu đồng/m2 mới hy vọng có chút lãi. Không ký thì thợ làm xong nhà này (chỉ ngôi nhà trên đường Tân Phước, Q.Tân Bình - PV), không có việc để làm. Ký rồi mà vật liệu tăng mạnh với tốc độ như thời gian qua, sẽ lỗ”, ông Hồng than.
Theo thông báo tăng giá xi măng các công ty và đại lý bán vật liệu xây dựng cung cấp, trong tháng 4, nhiều thương hiệu xi măng trong nước tăng giá từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn. Cụ thể, ngày 15.4, xi măng Công Thanh điều chỉnh tăng 30.000 đồng/tấn (bao gồm thuế GTGT) tại thị trường miền Trung; ngày 21.4, xi măng Hoàng Long, Xuân Thành (loại bao và rời), Duyên Hà điều chỉnh tăng 40.000 đồng/tấn; xi măng Bỉm Sơn (bao PCB30 và PVB40), xi măng Vicem Hoàng Mai tăng 30.000 đồng/tấn; ngày 22.4, xi măng Long Sơn điều chỉnh tăng 40.000 đồng/tấn... Khảo sát giá gạch tại thị trường miền Trung cũng tăng mạnh. Chẳng hạn, gạch của Công ty gạch Tuynel Huế tăng 400 - 600 đồng/viên so với giá đầu năm nay, từ 1.700 đồng lên 2.100 đồng/viên gạch đặc và gạch lỗ từ 2.400 đồng lên 3.000 đồng/viên.
Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng H.H trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM) cho biết giá cát, xi măng tăng theo giá sắt thép không phải là tình trạng “tát nước theo mưa, mà thực tế mỗi mặt hàng có lý do riêng để tăng”. Cụ thể, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, cát xây dựng khai thác ngày càng khó khăn, khan hiếm. Nhiều công trình xây dựng đặt mua lượng cát lớn phải chờ cả tháng sau mới có hàng, giá lúc giao hàng luôn cao hơn giá bán, nhưng đành chịu vì có những lý do “bất khả kháng” xảy ra. Tương tự, giá nguyên liệu làm xi măng như than, thạch cao, bao bì... đều tăng nên các nhà sản xuất đều đồng loạt tăng giá bán, không tăng họ bảo bị lỗ.
Cần “nhạy” hơn trong dự báo giá
Theo Hiệp hội Xi măng VN, trong quý 1 năm nay, khu vực Đông Nam bộ tiêu thụ xi măng lớn nhất cả nước. Tháng 2 nghỉ Tết Nguyên đán, sang tháng 3, sản lượng tiêu thụ mặt hàng này tăng vọt gấp 2,3 lần. Cùng thời điểm tháng 3, tại miền Bắc tiêu thụ xi măng tăng gần 40% so với tháng 2.
Bà Lê Như Thùy My, Giám đốc Công ty gạch men Nhân Quốc (Đồng Nai), cho biết giá gạch men tăng nhẹ do giá nguyên liệu làm bao bì đóng gói cho mặt hàng này tăng mạnh. Thậm chí nhiều nguyên liệu sản xuất bao bì nhập từ Trung Quốc về không có hàng, chậm hàng, gạch sản xuất xong không có bao bì để đóng khiến nhà sản xuất lẫn phân phối gặp khó khăn. “Sau khi chuyển nguồn mua vật liệu làm bao bì đóng gói gạch, giá lại cao hơn mua từ Trung Quốc. Giá gạch ốp tăng một phần từ đó. Tương tự, bao bì đóng gói xi măng cũng tăng do nguyên liệu đầu vào tăng. Rồi điện, than, xăng dầu, cước vận chuyển... đều tăng, đẩy giá vật liệu xây dựng tăng theo”, bà My cho biết và bổ sung, hiện giá xi măng tại thị trường miền Nam đang cao hơn miền Bắc khoảng 300.000 đồng/tấn do chi phí vận chuyển và nhu cầu tiêu thụ khu vực miền Nam cao hơn.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá nguyên vật liệu nói chung theo phản ánh của các công ty xây dựng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng sắt thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng lại tăng giá đến 40% khiến cả thị trường vật liệu xây dựng nói chung bị ảnh hưởng lớn.
Ông nói: “Cả thế giới như đang trong cơn “lên đồng” vì giá cả các mặt hàng đều tăng, từ nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, đến nguyên liệu đầu vào loạt các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày dép... Phần lớn do “di chứng” của đại dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, phải nhận thấy là nhu cầu xây dựng, đặc biệt tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công đang tiến triển tốt, đẩy giá vật liệu xây dựng tăng theo. Ở đây, chính các nhà thầu phải có hiểu biết giá cả thế giới và có dự báo dài hạn hơn để bỏ thầu. Các dự án nhận thầu trọn gói nếu không thương thảo được, chắc chắn lỗ nặng, nếu không nói là phá sản. Thế nên, phải hết sức thận trọng và trong cam kết trách nhiệm 2 bên nếu giá vật liệu tăng vọt thế nào...”.
Giá vật liệu xây dựng 'lên đồng' - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment