Bộ TN-MT mới đây đã gửi văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Đầu tư do Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến các bộ, ngành thể hiện quan điểm không cần sửa điều 60 Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28.2.2020 quy định chi tiết thi hành một số điều về lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu, trong đó nêu về đối tượng được nhận giao đất khi trúng thầu.
Không nên sửa nghị định vì có thể tạo "lỗ hổng" trong việc giao đất
Lý giải về việc không cần sửa điều 60 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, Bộ TN-MT cho biết, tại khoản 3 điều 58 luật Đất đai 2013 quy định: người được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện: có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác; khi thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cơ quan có thẩm quyền đã xác định năng lực và các điều của nhà đầu tư khi tham gia đấu thầu.
Trường hợp nhà nước giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập, sẽ xảy ra trường hợp không kiểm soát được các điều kiện của doanh nghiệp dự án theo quy định tại điều 58 của luật Đất đai 2013 dẫn đến việc giao sai đối tượng.
Bên cạnh đó, khi tham gia dự án đầu tư, nhà đầu tư phải cam kết về các điều kiện để thực hiện dự án nếu làm chủ đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp dự án được giao đất nhưng không thực hiện các nghĩa vụ và cam kết của nhà đầu tư trúng đấu thầu, trong đó có nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại hồ sơ mời thầu thì cơ quan có thẩm quyền khó xử lý, nhất là doanh nghiệp dự án là dạng công ty cổ phần.
Khi xảy ra tình huống này, sẽ có thể phát sinh trường hợp doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập dưới hình thức công ty cổ phần. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư chiếm tỷ lệ ít, sau đó rút vốn, nếu được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
|
Dễ tạo ra doanh nghiệp chuyên đi đấu thầu dự án rồi bán lại
Bộ TN-MT cũng nêu, không loại trừ trường hợp, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án không phải là 100% vốn của nhà đầu tư (pháp luật về doanh nghiệp vẫn có cho phép) dễ dẫn đến hình thành doanh nghiệp “cá mập” chuyên đi đấu thầu để thực hiện dự án. Sau đó, chuyển nhượng dự án mà bản chất là đi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp không đủ điều kiện đấu thầu dự án thực hiện mà không chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án như đã cam kết. Từ đó, có thể làm cho việc đấu thầu dẫn đến độc quyền, thiếu cạnh tranh minh bạch, thất thu ngân sách.
Mặt khác, do quyền sử dụng đất là một loại tài sản có giá trị lớn nên việc chuyển quyền sử dụng đất gồm các hoạt động như chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất pháp luật đất đai quy định thủ tục chặt chẽ. Riêng với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người sử dụng đất và người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế, phí, lệ phí theo quy định (thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…).
Do đó, Bộ TN-MT đề nghị vẫn giữ nguyên quy định của Nghị định 25/2020/NĐ-CP là thực hiện giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu mà không giao cho doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập ra.
Bộ TN-MT cũng cho biết, thời gian qua có nhiều vụ việc sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra về giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng. Có tình trạng cố tình hiểu sai quy định pháp luật, thậm chí là suy diễn pháp luật về đất đai của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho một số đối tượng sau khi trúng thầu nhưng không thực hiện dự án mà tạo vỏ bọc là thành lập công ty thực hiện dự án, qua đó bán đất khi chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Nếu chính quyền địa phương ký giao đất tức là đã giao đất không đúng đối tượng, vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Bộ TN-MT nêu ý kiến, Bộ KH-ĐT có thể sửa điều 60 Nghị định số 25/NĐ-CP như sau: thay thế cụm từ “nhà đầu tư” thành “nhà đầu tư trúng thầu hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trúng thầu thành lập có 100% vốn của nhà đầu tư trúng thầu dự án”. Quy định như vậy sẽ giải quyết được những hạn chế nêu trên, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong triển khai dự án và thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Bộ TN-MT: Giao đất trúng thầu cho doanh nghiệp dự án là sai đối tượng - Báo Thanh Niên
Read More
No comments:
Post a Comment