Với những doanh nghiệp luôn xem người lao động là vốn quý, Tết cũng là dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần nhằm giữ chân công nhân. Tết Nguyên đán 2024, theo ghi nhận, doanh nghiệp nào "ăn nên làm ra", công nhân được lo đầy đủ tiền thưởng, còn nơi khó khăn cũng đã cố gắng tặng quà Tết.
Vui buồn thưởng Tết
Khi được hỏi về mức thưởng Tết trong năm kinh tế nhiều khó khăn, chị D., làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (ở TP.HCM) chia sẻ, công ty thông báo sẽ chuyển khoản tiền thưởng Tết vào cuối tháng 1 này. Mức thưởng năm nay cũng gần bằng năm ngoái và công ty tính theo hệ số lương.
Theo nguồn tin từ công ty này, bình quân tiền thưởng Tết khoảng 17 triệu đồng, cao nhất 67 triệu đồng và thấp nhất là hơn 5 triệu.
Nguồn tin cũng cho biết, dù bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, nhưng công ty vẫn cố gắng thưởng cuối năm cho người lao động.
"Do ảnh hưởng khó khăn, trong năm 2023, công ty cũng cắt giảm nhân sự nhiều đợt, khoảng 9.000 lao động", nguồn tin chia sẻ.
Nằm trong diện cắt giảm, chị Huệ (quê Nghệ An) cho biết, năm ngoái khi còn làm cho công ty, tiền thưởng Tết của chị cũng hơn 20 triệu đồng (hệ số 1.9). Nhưng năm nay không còn nguồn này nên quá khó khăn trong chi tiêu. “Nói chung là buồn hơn năm ngoái”, chị Huệ ngậm ngùi.
Chị Huệ cũng cho hay, nhiều người trong diện cắt giảm như chị đã về quê vì mất việc, không thể trụ lại TP.HCM.
Còn chị H., công nhân công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 2) cho biết, năm nay công ty thông báo thưởng Tết bằng năm ngoái, cũng tính theo hệ số lương. Chị H. chia sẻ, khoản thưởng của chị là hơn 20 triệu với hệ số lương 1.98. Theo chị, đây là khoản tiền mà công nhân như chị trông chờ để Tết có thêm nguồn chi tiêu cho gia đình.
Tại Bình Dương, một trong những địa phương có số lượng công nhân lớn nhất cả nước với hơn 1,6 triệu lao động, vấn đề thưởng Tết cũng đang được quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Xuân Trường (34 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho hay, dịp cuối năm công ty đều thông báo tặng một phần quà Tết bao gồm bánh kẹo, dầu ăn, trà…
“Có nhiều anh chị em ý kiến lên trưởng bộ phận đề xuất công ty quy đổi quà ra tiền mặt cho phù hợp nhưng không được chấp nhận. Sau đó thì ai cũng nhận quà bằng các loại hàng hóa”, anh Trường nói.
Một số người lao động mong muốn, do nhu cầu sinh hoạt mỗi gia đình mỗi khác nên nếu doanh nghiệp tặng tiền mặt sẽ phù hợp hơn, ai muốn mua sắm gì thì chủ động, thay vì nhận quà về không dùng đến.
Tuy nhiên, cũng thưởng Tết là một phần quà, chị L. (27 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, nhận được thông tin đó, ai cũng đều cảm thấy ấm lòng, đồng thuận và chia sẻ với sự khó khăn của công ty. Họ cũng cho rằng, các phần quà này nếu quy đổi ra tiền mặt thì không được nhiều. Thậm chí, số tiền này cũng không đủ mua các loại sản phẩm có trong phần quà tặng từ công ty.
Thưởng thêm chỉ vàng cho người gắn bó lâu năm
Một cán bộ công đoàn Công ty Freetrend cho biết, bên cạnh tiền thưởng Tết, công ty có truyền thống thưởng thêm vàng cho công nhân lâu năm, chẳng hạn thâm niên 10 năm sẽ được thưởng 1 chỉ, 20 năm được 1,5 chỉ.
Tương tự, Ban Giám đốc Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (đóng tại Bình Dương) cho biết, công ty quyết định tặng quà tri ân 24 người lao động có thâm niên 15 năm làm việc gắn bó, mỗi phần quà gồm 1 chỉ vàng, thư cảm ơn và hoa.
Công nhân Nguyễn Thị Thúy Oanh, Công ty TNHH Apparel Far Eastern bày tỏ: "Được nhận vàng từ công ty, anh chị em công nhân như được tiếp thêm động lực để cố gắng mỗi ngày và gắn bó dài lâu hơn với doanh nghiệp".
Chị Nguyễn Thùy Vân, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Long Rich (Khu chế xuất Linh Trung 2) cũng chia sẻ, trong năm 2023 công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng đến 6 tháng, có lúc chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Mặc dù thế, công ty vẫn thưởng cho người lao động tương đương năm trước và vẫn giữ chế độ thưởng 1 chỉ vàng SJC cho người làm đủ 10 năm.
Thưởng Tết vẫn ổn định
Theo Sở Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp đều quan tâm, chia sẻ, cố gắng thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Tiền thưởng bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người, gần tương đương so với Tết Quý Mão năm 2023 (12,8 triệu đồng/người). Trong đó, mức cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/người (thuộc về doanh nghiệp FDI) và thấp nhất là 4,8 triệu đồng/người.
Ngoài tiền thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp còn có hình thức hỗ trợ thêm như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.
Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, bên cạnh các hình thức thưởng của doanh nghiệp, ngành lao động cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân.
Với công nhân ở lại, Liên đoàn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng thành phố” tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Chương trình này có gần 22.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức tiêu biểu, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tham gia tích cực hoạt động công đoàn; đoàn viên nghiệp đoàn và đoàn viên tại các khu lưu trú, khu nhà trọ.
Đối với Bình Dương, Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong tổng số 1.900 doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết thì nhiều nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với gần 1.300 đơn vị.
Mức thưởng Tết của khối doanh nghiệp FDI thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người, cao nhất là 574 triệu đồng, mức bình quân 7,1 triệu đồng/người. Ở khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân là 6,7 triệu đồng/người; cao nhất là 330 triệu đồng/người; thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 42 triệu đồng/người; thấp nhất là 9 triệu đồng; bình quân gần 10 triệu đồng/người.
Kỳ sau: Thưởng Tết công nhân: Nơi tính chi từng đồng, chỗ vui mừng mua vé bay về quê
Tại cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024 diễn ra mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào, giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Đề xuất tăng giá điện này được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỉ đồng năm 2023 dù được điều chỉnh giá bán hai lần.
Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỉ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỉ giá vẫn treo từ các năm trước, khoảng 14.000 tỉ đồng.
Trong năm 2023, giá điện có 2 lần tăng. Cụ thể, ngày 4-5, giá giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% (hơn 55,9 đồng/KWh).
Đến ngày 9-11, mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng từ 1.920,37 đồng/kWh lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) - tức tăng 4,5%.
Giá điện tăng vẫn chưa bù đắp được chi phí sản xuất điện
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện (do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao) nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Con số lỗ cụ thể chưa được EVN công bố.
Đối với các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng giá nhiên liệu năm 2023 vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đây.
Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các Tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỉ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.
Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Đầu giờ sáng 25/1, giá vàng 9999 của SJC hôm nay giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên hôm qua.
Giá vàng 9999 được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cập nhật vào lúc 8h32' và giá vàng 9999 được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết vào lúc 8h46' như sau:
Mua vào
Bán ra
SJC Hà Nội
74.000.000 đồng/lượng
76.520.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM
74.000.000 đồng/lượng
76.500.000 đồng/lượng
SJC Đà Nẵng
74.000.000 đồng/lượng
76.520.000 đồng/lượng
DOJI Hà Nội
73.950.000 đồng/lượng
76.450.000 đồng/lượng
DOJI TP.HCM
73.950.000 đồng/lượng
76.450.000 đồng/lượng
Bảng giá vàng SJC và DOJI cập nhật đầu giờ sáng 25/1
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, giá vàng 9999 trong nước hôm nay được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
Tỷ giá trung tâm ngày 25/1/2024 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.031 đồng/USD, tăng 1 đồng so với phiên trước đó. Giá USD ở các ngân hàng thương mại sáng nay (25/1) được niêm yết ở mức 24.400 đồng/USD (mua vào) và 24.770 đồng/USD (bán ra).
Giá vàng quốc tế hôm nay 25/1/2024
Lúc 8h44' hôm nay (ngày 25/1, giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.016,4 USD/ounce, giảm 16,6 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 4/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.034,3 USD/ounce.
Tớ 18h30 đêm 24/1 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới đứng quanh ngưỡng 2.033 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.041 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 24/1 cao hơn khoảng 11,5% (209 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 61,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 15,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 24/1.
Giá vàng thế giới tăng sau nhiều ngày chịu áp lực bán chốt lời. Vàng tăng khi giới đầu tư chờ đợi các dữ liệu kinh tế của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần. Các số liệu này sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất sớm hay muộn.
Trên thực tế, mức tăng cũng không nhiều. Xu hướng chính của giá vàng quốc tế trong những ngày đầu năm mới tiếp tục là đi ngang và duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Để có sự bứt phá, thị trường phải nhận được tín hiệu diều hơn của các quan chức Fed. Hiện ngân hàng trung ương Mỹ vẫn tập trung vào mục tiêu số 1 là kéo lạm phát về mục tiêu 2%. Sau hơn một năm hạ nhiệt, lạm phát của Mỹ đã về dưới ngưỡng 4%, nhưng còn rất xa so với mục tiêu.
Vàng tăng trong bối cảnh đồng USD quay đầu giảm.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, giảm về mức 103 điểm, sau khi lên 103,4 trong phiên liền trước.
Các quan chức Fed gần đây vẫn khẳng định cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra bất kỳ ý kiến nào liên quan đến việc cắt giảm lãi suất nào và thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ muộn hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Dự báo giá vàng
Gần đây, có một số đánh giá cho rằng, đợt tăng giá mạnh mẽ của vàng vào cuối năm 2023 đã phán ánh trước vào khả năng Fed sớm đảo chiều chính sách tiền tệ. Hiện Fed thận trọng hơn thì áp lực chốt lời đối với mặt hàng kim loại quý càng lớn
Bên cạnh đó, sự bứt phá liên tiếp lên đỉnh cao lịch sử mới của thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã làm giảm dòng tiền đổ vào thị trường vàng.
Như vậy, về ngắn hạn, vàng được đánh giá sẽ diễn biến đôi chút tiêu cực.
Nhưng về dài hạn, vàng được cho là nằm trong xu hướng đi lên khi đồng USD khó tránh khỏi một đợt giảm kéo dài, không chỉ vì Fed sẽ cắt giảm lãi suất mà còn do áp lực giảm sử dụng đồng tiền của Mỹ đến từ một số nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi thông cáo kỳ thứ 36, diễn ra trong các ngày 24 và 25/1, dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.
Tập thể Đảng này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, thực hiện một số dự án/gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các công ty trong hệ sinh thái AIC thực hiện. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
"Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật", theo cơ quan kiểm tra của Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định trách nhiệm của những vi phạm thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.
Những cá nhân có trách nhiệm liên quan gồm các ông, bà: Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tử Quỳnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Văn Liên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Ngoài ra, những nhân sự được xác định có trách nhiệm còn có các ông: Nguyễn Tiến Nhường, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Lương Thành, Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Bưởi, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng; Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trịnh Khôi, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trần Đăng Truyền, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Chí Kiên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Ninh; Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh; Trần Văn Tuynh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh.
Liên quan đến những vi phạm trên còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021 và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Trần Văn Tuynh.
Hình thức cảnh cáo áp dụng cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Ninh các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2010- 2015; Đảng ủy Sở Tài chính, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2010-2015; Đảng ủy Sở Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2015-2020; Đảng ủy Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh nhiệm kỳ 2010-2015.
Những cá nhân bị kỷ luật bằng hình thức tương đương gồm: Ngô Văn Liên, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Đức Bưởi, Trần Đăng Truyền, Vũ Chí Kiên, Nguyễn Văn Hiếu.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định khiển trách Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016-2021; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đảng ủy Sở Y tế, Đảng ủy Sở Xây dựng, Đảng ủy Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.
Những lãnh đạo, cựu lãnh đạo bị kỷ luật khiển trách gồm các ông, bà: Nguyễn Hương Giang, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Việt Hùng, Tô Thị Mai Hoa, Nguyễn Đình Xuân, Trịnh Hữu Hùng, Trịnh Khôi.
Ngoài ra, cơ quan kiểm tra của Đảng đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và các ông: Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Tiến Nhường, Nguyễn Hạnh Chung, Nguyễn Lương Thành và Nguyễn Thế Nghĩa, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 theo tinh thần số lượng ít nhưng phải khoa học, chặt chẽ.
Chủ trì họp với lãnh đạo một số bộ ngành về kế hoạch triển khai Luật Đất đai sửa đổi ngày 22/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói luật được thông qua góp phần giải quyết nhiều vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai, đồng thời kiến tạo phát triển với tư duy, quan điểm đột phá.
Công việc tiếp theo của Chính phủ là triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách để luật đi vào cuộc sống. Các bộ ngành sớm trình Thủ tướng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành với tinh thần số lượng nghị định phải ít nhất nhưng khi áp dụng phải khoa học, chặt chẽ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của luật; quy định về lấn biển; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều tra cơ bản và cơ sở dữ liệu đất đai; xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai. Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ định giá đất vào năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật chính sách mới quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp; nghị định hướng dẫn sử dụng đất lúa. Bộ Tài chính xây dựng các nghị định về thu tiền, thuế đất.
Cùng với đó, các bộ ngành tập trung ban hành thông tư hướng dẫn dưới nghị định. Các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai phải hoàn thành trước thời điểm các điều khoản trong luật có hiệu lực.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hai đề án thí điểm tách công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công; thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận với đất không phải đất ở tại một số địa phương có năng lực hoặc điều kiện đặc thù.
Ngày 18/1, Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương và 260 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật quy định 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất khi "thật cần thiết" để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đa dạng bằng tiền, bằng đất có cùng mục đích sử dụng, bằng nhà ở và bằng đất khác mục đích sử dụng nếu người bị thu hồi có nhu cầu và địa phương có quỹ đất.
UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ 1/1/2026. Hàng năm, UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ 1/1 của năm tiếp theo.
Đất không giấy tờ trước 1/7/2014 (thay vì 1/7/2004 như quy định hiện hành) không có tranh chấp, được cấp sổ đỏ. Doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần có thể chuyển trả tiền hàng năm để giảm áp lực tài chính, từ đó có thể hạ giá nhà.
Cập nhật cuối giờ chiều ngày 22-1 ở các đơn vị kinh doanh vàng lớn trong nước, hầu hết giá vàng SJC đều có xu hướng giảm so với kết phiên tuần trước sau nhiều biến động.
Theo đó, mức giảm dao động từ 200.000 - 700.000 đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra. Khoảng cách giữa giá mua và bán rộng nhất còn 2,5 triệu đồng.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào bán ra ở mức 73,5 - 76 triệu đồng, giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng bán ra so với cuối tuần trước.
Doji cũng tăng giảm giá chiều mua - bán ra vàng miếng SJC tổng cộng 800.000 đồng/lượng cả hai chiều so với cuối tuần trước. Theo đó, SJC mua vào 73,45 triệu đồng/lượng, bán ra 75,95 triệu đồng/lượng.
Tại PNJ, cập nhật lúc 13h16, thương hiệu này giảm 800.000 đồng/lượng giá vàng miếng mua vào và 900.000 đồng/lượng, lần lượt còn 73,5 triệu đồng - 76 triệu đồng (mua vào, bán ra).
Diễn biến giá vàng trong nước nhìn chung ảnh hưởng xu hướng giá thế giới. Giá vàng thế giới giảm 0,3%, còn 2.024,1 USD/ounce (tương đương khoảng 60,51 triệu đồng/lượng).
Trước đó, sau chuỗi ngày giảm do chịu áp lực bởi kỳ vọng lãi suất, giá vàng thế giới tăng nhẹ chốt tuần.
Cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn tiếp tục nóng lên, GDP quý 4-2023 của Mỹ và quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ là những thông tin được nhận định có ảnh hưởng tới xu hướng giá vàng tuần này.
Giá USD "chợ đen" vượt 25.000 đồng
Còn về diễn biến tỉ giá, ngày 22-1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm giữa VND với USD ở mức 24.031 đồng, giảm 6 đồng so với cuối tuần trước.
Ghi nhận giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng có sự biến động. Như tại Vietcombank, ngân hàng này niêm yết giá mua vào, bán ra USD là 24.335 - 24.705 đồng, giảm 10 đồng cả hai chiều.
Còn Eximbank niêm yết chiều mua vào 24.330 đồng và bán ra 24.720 đồng, tương đương mức tăng 10 đồng. Tại BIDV, giá USD lần lượt mua vào - bán ra là 24.405 - 24.705 đồng, cùng tăng 5 đồng.
Trong khi đó, giá USD "chợ đen" biến động liên tục, phổ biến vẫn ở mức hơn 25.000 đồng mua vào và bán ra gần 25.100 đồng.
Theo chuyên gia khối phân tích MBS, đồng USD bật tăng lên mức 103.3, đồng USD lên mức cao nhất trong hai tuần và tăng 1,7% so với đầu năm trong bối cảnh Fed đã đưa ra quan điểm thận trọng trong việc sẽ không vội vàng cắt giảm lãi suất.
Đồng thời hé lộ khả năng việc không cắt nhiều như kỳ vọng của thị trường cho đến khi xu hướng lạm phát giảm trở nên rõ ràng hơn.
Bởi vậy, tỉ giá liên ngân hàng tiếp tục nhích lên tương đồng với xu hướng giá USD thế giới và hiện đang giao dịch tại 24.528 đồng/USD, tăng 0,7% so với đầu năm và lập đỉnh mới kể từ đầu năm 2023.
Theo chuyên gia MBS, tỉ giá trên thị trường tự do vẫn chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Ở thời điểm ra báo cáo, giá USD thị trường tự do mới mức 24.840 VND/USD thì đã tăng 0,4% so với đầu năm.